Thông tin hoạt động trong Tỉnh
Sơ kết 03 năm thực hiện Luật Lưu trữ và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 110/2004/NĐ-CP (10/08/2015)

Sáng 10/8, tại Nhà Văn hóa Lao động (thành phố Tuy Hòa), Cục Văn thư và Lưu trữ (VTLT) Nhà nước - Bộ Nội Vụ tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011 và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư.

Về dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Hoàng Trường, Phó Cục trưởng Cục VTLT Nhà nước; Đỗ Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục VTLT Nhà nước; đại diện cơ quan các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Sở Nội vụ, Chi cục VTLT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về phía tỉnh, có các đồng chí: Huỳnh Tấn Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ và 03 năm thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, công tác VTLT trong các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc của cơ quan cũng như yêu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách hành chính Nhà nước. Bên cạnh những kết quả nổi bật, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị các đại biểu đánh giá những tồn tại, những mặt chưa đạt được để tìm ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục, tiến tới hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác VTLT; đồng thời trao đổi các điều kiện đảm bảo cho hoạt động công tác VTLT được thuận lợi hơn.

Theo báo cáo tại Hội nghị, qua 10 năm thực hiện Nghị định, chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản của các bộ, ngành và địa phương ngày càng được nâng cao; việc quản lý văn bản, quản lý và sử dụng con dấu đúng quy định; công tác lập hồ sơ và nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan đã được công chức, viên chức quan tâm thực hiện. Hàng năm, tính trung bình ở các bộ, ngành tiếp nhận từ 20.000 đến 25.000 văn bản đến và phát hành từ 10.000 đến 15.000 văn bản đi; ở địa phương tiếp nhận từ 3.500 đến 5.000 văn bản đến và phát hành từ 2.500 đến 4.000 văn bản đi. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác văn thư đã được quan tâm đầu tư; tổ chức biên chế công chức, viên chức làm công tác văn thư ở các cấp bước đầu được tăng cường…

Về công tác lưu trữ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về công tác lưu trữ dần được hoàn thiện tạo hành lang pháp lý quan trọng để triển khai đưa Luật lưu trữ vào thực tiễn; công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan có nhiều chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước đây; hệ thống tổ chức lưu trữ ngày càng được kiện toàn, hoàn thiện hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác VTLT tại các bộ, ngành, địa phương vẫn còn những tồn tại hạn chế, trong đó nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan về vai trò, tầm quan trọng của công tác văn thư chưa đầy đủ, chưa dành sự quan tâm đúng mức cho công tác này; việc thực hiện nghiệp vụ văn thư, ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; tình trạng bố trí công chức, viên chức kiêm nhiệm làm công tác lưu trữ vẫn chiếm tỷ lệ cao; cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại nhiều cơ quan chưa đáp ứng yêu cầu…

Theo chương trình, Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày (10,11/8/2015).

 

Tin, ảnh: Mỹ Luận

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website