Thông tin hoạt động trong Tỉnh
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 1956:
Năm 2015, phấn đấu đào tạo nghề cho 4.000 lao động nông thôn (08/04/2015)
Sáng 8-4, tại sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956), giai đoạn 2010-2014.

Dự Hội nghị có đồng chí Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo Đề án; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở đào tạo, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

PCT UBND tỉnh Trần Quang Nhất tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 05 năm thực hiện Đề án

Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu của nghị quyết thực hiện hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; mạng lưới các cơ sở dạy nghề đều được phủ kín ở các huyện; hàng năm đã đào tạo được một bộ phận lao động nông thôn có kiến thức, kỹ năng, tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật để tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống gia đình.

Tổng số lao động nông thôn được học nghề trong 5 năm (2010-2014) là 22.461 người, đạt gần 43,2% so với kế hoạch đã được phê duyệt; số lao động đã đào tạo xong trong 5 năm là 22.274 người, trong đó có việc làm sau học nghề là 16.840 người; các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã đạt được nhiều hiệu quả như: nghề trồng lúa nước chất lượng cao; kỹ thuật xây dựng; mây tre đan, chậu cây cảnh; giầy da, túi xách; may công nghiệp…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác tuyển sinh đào tạo nghề lao động nông thôn còn thấp; một số người lao động ở các vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số ở cách xa cơ sở dạy nghề nên chưa tích cực tham gia học nghề; đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu so với yêu cầu; một số lao động sau khi học nghề không tìm được việc làm phù hợp.

Mục tiêu thực hiện Đề án trong năm 2015, đào tạo nghề cho 4.000 lao động, sau khi học nghề có việc làm từ 75% trở lên; giai đoạn 2016-2020, đào tạo 25.000 lao động, sau khi học nghề có việc làm từ 80% trở lên.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất biểu dương những kết quả đạt được trong triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần ổn định đời sống cho người lao động. Trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành và toàn xã hội; tăng cường công tác chỉ đạo và phân công gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể; đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và đào tạo theo nhu cầu của người lao động; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu dạy nghề, học nghề của lao động; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; giáo án dạy nghề chú trọng thực hành, giảm lý thuyết.

Nhân dịp này, 04 tập thể và 02 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 05 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh giai đoạn 2010-2014.

 

Tin, ảnh: Mỹ Luận

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website