Thông tin hoạt động trong Tỉnh
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về trợ giúp pháp lý (17/01/2014)

Sáng 17-1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Phú Yên, có đồng chí Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

 

PCT UBND tỉnh Lê Văn Trúc dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Phú Yên

Theo Bộ Tư pháp, sau 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược, công tác TGPL đã trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội.

Công tác TGPL có tác động tích cực đến việc tổ chức thực hiện pháp luật để đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là đối với người nghèo và người có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, góp phần đáng kể vào sự ổn định, phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành trong công tác này.

Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ ở các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác TGPL đã có chuyển biến nên có sự chỉ đạo sát sao hơn, quan tâm đầu tư, hỗ trợ và bảo đảm về con người và kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác TGPL, tạo sự gắn kết công tác TGPL với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các vụ việc TGPL tăng về số lượng và ngày càng bảo đảm về chất lượng, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu TGPL ngày càng tăng, đa dạng và phức tạp của người dân, giải tỏa vướng mắc pháp luật của người dân ngay tại cơ sở, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, bảo đảm công bằng trong tiếp cận pháp luật.

Hiện nay, cả nước đã có 277 tổ chức hành nghề luật sư, 40 trung tâm tư vấn pháp luật; có 4.345 câu lạc bộ TGPL thành lập tại 39% xã, phường, thị trấn trong toàn quốc; ngoài ra, còn có 293 tổ TGPL, 230 điểm TGPL đặt tại Phòng Tư pháp, UBND xã, hội phụ nữ… Trong 2 năm, các tổ chức TGPL thực hiện 231.830 vụ việc, trung bình 115.915 vụ việc/năm, tăng 18% so với trung bình năm trước khi có Chiến lược, trong đó chủ yếu trợ giúp tư vấn về pháp luật…

Có 6 nhiệm vụ, giải pháp phát triển TGPL được đề ra trong giai đoạn tiếp theo (2014-2016) đó là: Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về TGPL đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động TGPL; Thứ hai, có giải pháp thiết thực nhằm tăng cường huy động các nguồn lực xã hội tham gia TGPL; Thứ ba, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực và ngân sách cho công tác TGPL; Thứ tư, rà soát tính hiệu quả của tổ chức TGPL nhà nước, đội ngũ người thực hiện TGPL; Thứ năm, tăng cường công tác quản lý nhà nước về TGPL; Thứ sáu, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho họat động TGPL.

Đến giai đoạn 2017-2020, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật TGPL sửa đổi, bổ sung đảm bảo các quy định của Luật đi vào thực tiễn cuộc sống; có lộ trình chuyển dần đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý thành luật sư hoặc các chức danh tư pháp khác; nâng cao năng lực của đội ngũ người thực hiện TGPL; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TGPL.

 

Bài và ảnh: Mỹ Luận

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website