Tin trong nước
Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (18/06/2014)
Sáng 18-6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Đầu tư công, với 88,35% tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành; Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

Luật Đầu tư công gồm 6 Chương, 108 Điều quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công, nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư.

Theo đó, Luật Đầu tư công quy định theo hướng rõ hơn tiêu chí xác định, phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định các dự án đầu tư, kế hoạch đầu tư trung hạn để bảo đảm thực hiện đầu tư công hiệu quả. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm và các chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân, cũng như người đứng đầu các tổ chức, cơ quan có liên quan đến quản lý đầu tư công.

 

 Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII

Bên cạnh đó, Luật đã đổi mới một cách căn bản, tạo ra sự thay đổi về chất đối với công tác lập kế hoạch đầu tư bằng việc chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Đây là điểm đổi mới rất quan trọng trong quản lý đầu tư công và phù hợp thông lệ quốc tế.

Cùng với đó, Luật quy định theo hướng tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công.

Ngoài ra, để bảo đảm mục tiêu dự án đã được phê duyệt, nhằm khắc phục tình trạng chưa quan tâm đúng mức đến việc sử dụng và phát huy hiệu quả dự án sau khi đầu tư, Luật cũng bổ sung quy định về: bảo đảm chi phí duy tu, bảo dưỡng cho các công trình sau khi nghiệm thu, bàn giao, dẫn đến chương trình nhanh chóng xuống cấp; bổ sung các quy định về đánh giá kết thúc đầu tư và đánh giá tác động dự án, để làm rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và đặc biệt là các đơn vị tư vấn, như tư vấn đầu tư dự án, tư vấn thiết kế…

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Luật Đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: Về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công (từ Điều 97 đến Điều 105), có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp vi phạm. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin chỉnh sửa quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công từ Điều 97 đến Điều 105 của dự thảo Luật. Theo đó, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại tùy theo tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật.

Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7, 8, 9, 10), có ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí “địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh đặc biệt quan trọng đối với quốc gia”, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, do tính chất phức tạp và đa dạng của các địa bàn quốc phòng, an ninh, hiện nay các tiêu chí địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của dự thảo Luật như sau: “Dự án tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh”…

* Trước đó, sáng ngày 17/6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, với 86,75% tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành, Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa có 3 Điều, trong đó Điều 1 gồm 25 khoản, Điều 2 gồm 10 khoản và Điều 3 gồm 3 khoản.

Theo đó, hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa bao gồm hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông vận tải trên đường thủy nội địa; quy hoạch phát triển, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quản lý nhà nước về giao thông đường thuỷ nội địa.

Các phương tiện giao thông đường thủy nội địa phải đăng ký lại trong các trường hợp: chuyển quyền sở hữu; thay đổi tên, tính năng kỹ thuật; trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú của chủ phương tiện chuyển sang đơn vị hành chính cấp tỉnh khác; chuyển đăng ký từ cơ quan đăng ký khác sang cơ quan đăng ký phương tiện thuỷ nội địa.

Về điều kiện hoạt động của phương tiện, đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo luật định, có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn, số lượng người được phép chở trên phương tiện; có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên theo quy định.

Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người, khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa và bảo đảm điều kiện an toàn như sau: Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị rò nước vào bên trong; phương tiện phải thắp một đèn có ánh sáng trắng ở nơi dễ nhìn nếu hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện; máy lắp trên phương tiện phải chắc chắn, an toàn, dễ khởi động và hoạt động ổn định; phương tiện phải được kẻ hoặc gắn số đăng ký, số lượng người được phép chở trên phương tiện; phương tiện phải được sơn vạch dấu mớn nước an toàn và khi chở người, chở hàng không được ngập qua vạch dấu mớn nước an toàn. Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn bằng một vạch sơn có màu khác với màu sơn mạn phương tiện.

Đối với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi có tai nạn, sự cố xảy ra trên đường thủy nội địa, Luật quy định, thuyền trưởng, người lái phương tiện và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa hoặc phát hiện người, phương tiện bị nạn trên đường thuỷ nội địa phải tìm mọi biện pháp để kịp thời, khẩn cấp cứu người, phương tiện, tàu biển, tàu cá, tài sản bị nạn; báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa gần nhất; xác định vị trí phương tiện bị tai nạn, sự cố, bảo vệ dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn, sự cố.

Luật cũng bổ sung nhiều quy định với thuyền trưởng như giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng có thời hạn 05 năm và được phân thành hạng nhất, hạng nhì, hạng ba và hạng tư với thuyền trưởng; phân thành hạng nhất, hạng nhì và hạng ba với máy trưởng. Để dự thi nâng hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng, người dự thi phải có đủ thời gian làm việc theo chức danh tương ứng.

Về tìm kiếm cứu nạn, theo luật mới, cơ quan, đơn vị tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thuỷ nội địa nhận được tin báo phải cử ngay người, phương tiện đến nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người, phương tiện bị nạn; được quyền huy động người, phương tiện để cứu vớt, cứu chữa người bị nạn, bảo vệ tài sản, phương tiện bị nạn, dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thông suốt. Trường hợp tai nạn, sự cố gây tác hại đến môi trường thì phải báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Cơ quan công an khi nhận được thông tin xảy ra tai nạn trên đường thuỷ nội địa phải kịp thời triển khai lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn; tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người bị nạn có trách nhiệm chỉ đạo, huy động lực lượng đảm bảo an ninh trật tự hỗ trợ giúp đỡ người bị nạn; trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất hoặc hỏa táng thì sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất hoặc hỏa táng, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất hoặc hỏa táng.

Luật cũng đã bổ sung việc áp dụng pháp luật đối với hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và trên vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải phải tuân theo quy định của Luật này về phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm đối với hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và trên vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng đã cấp được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực./.

 

(Theo dangcongsan.vn)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website