Tin trong nước
Phân loại Cảng biển Việt Nam (29/11/2013)
Theo Danh mục phân loại cảng biển mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg, từ ngày 10/1/2014, Việt Nam sẽ có 44 cảng biển, bao gồm 14 cảng biển loại I và 17 cảng biển loại II, 13 cảng biển loại III.

Quyết định nêu rõ, mục đích của phân loại cảng biển Việt Nam nhằm tổ chức quản lý quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng và quản lý khai thác cảng biển phù hợp với Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế, thông lệ hàng hải quốc tế có liên quan.

Theo đó, tiêu chí phân loại cảng biển Việt Nam gồm: Đặc điểm vùng hấp dẫn của cảng biển, bao gồm các tiêu chí về diện tích, dân số, loại đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ hàng hải và hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển; vai trò, chức năng và tầm ảnh hưởng của cảng biển đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, liên vùng hoặc cả nước; quy mô và công năng của cảng biển, bao gồm các tiêu chí về loại hàng hóa và sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển; tổng chiều dài bến cảng, trọng tải tàu tiếp nhận tại thời điểm hiện tại và theo quy hoạch; xu hướng đầu tư xây dựng để phát triển cảng biển tập trung, tránh dàn trải, tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ có 1 cảng biển theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

Nội dung phân loại cảng biển Việt Nam quy định trong Quyết định bao gồm: Cảng biển loại I là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ chủ yếu cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng. Đối với cảng biển loại I có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước được ký hiệu là cảng biển loại IA; Cảng biển loại II là cảng biển quan trọng phục vụ chủ yếu cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương; Cảng biển loại III là cảng biển chuyên dùng phục vụ chủ yếu cho hoạt động của doanh nghiệp.

Cũng theo Quyết định này, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm: Tổ chức lập, công bố Danh mục phân loại cảng biển Việt Nam theo các quy định tại Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về việc quản lý cảng biển và luồng hàng hải và Quyết định này; Công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam vào tháng 01 hàng năm; Tổng hợp, công bố danh mục các cảng biển đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung, điều chỉnh nhưng chưa cập nhật vào quy hoạch phát triển cảng biển vào quý I hàng năm; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác, sử dụng cảng biến phù hợp với quy định của Quyết định này và quy định khác của pháp luật có liên quan./.

 Dựa trên các tiêu chí này, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ phân loại các cảng biển như sau: 14 cảng biển loại I (giảm 2 cảng so với Quyết định số 16/2008/QĐ - TTg): Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Khánh Hóa, TP.HCM, Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ. Trong nhóm cảng loại I có 3 cảng loại IA là Hải Phòng, Khánh Hòa (Vân Phong) và Vũng Tàu.

17 cảng biển loại II (giảm 6 cảng): Hải Thịnh, Diêm Điền, Quảng Bình, Cửa Việt, Kỳ Hà, Vũng Rô, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Năm Căn, Kiên Giang.

13 cảng loại III là các cảng dầu khí ngoài khơi: Mỏ Rồng Đôi, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Lan Tây, Sư Tử Đen, Đại Hùng, Chí Minh, Ba Vì, Vietsopetro 01, Chim Sáo, Tê Giác Trắng, Sông Đốc, Sư tử Vàng.

 

(Theo dangcongsan.vn)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website