Tin trong nước
Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) (25/11/2014)

Chiều 24-11, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

 

Ảnh minh họa

Trước khi đại biểu tiến hành biểu quyết dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và Nghị quyết.

Liên quan đến vấn đề Tòa án thực hiện quyền tư pháp, khi thảo luận tại hội trường, có ý kiến đề nghị chỉnh lý điểm c khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật theo hướng quy định Tòa án có thẩm quyền điều tra để thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự nếu xét thấy cần thiết.

Giải trình về vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong tố tụng hình sự, Tòa án nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Dự thảo Luật không quy định Tòa án có chức năng, nhiệm vụ “điều tra để thu thập chứng cứ” như Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát là phù hợp với quy định của Hiến pháp, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng như vậy. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Vì vậy, bổ sung quy định Tòa án có quyền thu thập, bổ sung chứng cứ khi xét cần thiết theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định là hợp lý.

Về ý kiến đề nghị ở Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần có Ủy ban Thẩm phán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đã chỉ đạo gửi phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội. Kết quả có 153/373 (44,7%) phiếu đồng ý quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh không có Ủy ban Thẩm phán; có 189/373 (55,3%) phiếu đồng ý quy định tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh có Ủy ban Thẩm phán. Tiếp thu ý kiến đã nhận được của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 Điều 39 của dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Có ý kiến đề nghị quy định theo hướng Thẩm phán trước khi được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn phải trải qua kỳ thi nâng ngạch để phù hợp với pháp luật cán bộ, công chức; có ý kiến đề nghị không áp dụng việc thi tuyển vào ngạch Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Giải trình ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, đã chỉ đạo xin ý kiến các vị đại biểu bằng phiếu. Qua tổng hợp phiếu xin ý kiến của đại biểu về việc Thẩm phán phải qua kỳ thi nâng ngạch để được bổ nhiệm Thẩm phán ở ngạch cao hơn thì có 269/373 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 84,8%; có 53/373 phiếu không tán thành, chiếm tỷ lệ 15,2%.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc kỹ và thấy rằng ý kiến của đa số đại biểu đề nghị áp dụng việc thi tuyển, thi nâng ngạch đối với các Thẩm phán là cần thiết để bảo đảm vừa đánh giá được năng lực, trình độ, vừa đánh giá được đạo đức, phẩm chất của Thẩm phán; tuy nhiên việc thi tuyển, thi nâng ngạch nên áp dụng trong trường hợp bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, nâng ngạch đối với Thẩm phán sơ cấp lên Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán trung cấp lên Thẩm phán cao cấp; còn đối với Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao là những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong xét xử, được chọn lọc, thi tuyển qua nhiều ngạch Thẩm phán từ thấp lên cao thì tiếp tục áp dụng việc tuyển chọn như quy định hiện hành.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật để quy định về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán cao cấp; về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp.

Ngoài việc giải trình, tiếp thu những ý kiến xác đáng của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghiên cứu kỹ, tiếp thu tối đa các ý kiến khác của đại biểu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm yêu cầu về nội dung và kỹ thuật văn bản.

Với những giải trình xác đáng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số đại biểu bấm nút tán thành thông qua thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)./.

 

(Nguồn: dangcongsan.vn)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website