Bạn đọc quan tâm
Bộ Quốc phòng trả lời về chế độ trợ cấp đối với quân nhân (29/08/2014)

Bộ Quốc phòng trả lời cử tri các địa phương về điều chỉnh, bổ sung đối tượng, đơn giản hóa các bước khi làm thủ tục hưởng chế độ chính sách theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Cử tri đề nghị: Theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định người tham gia kháng chiến khi từ trần chỉ có cha, mẹ, vợ, con mới được hưởng chế độ. Đề nghị cơ quan chức năng điều chỉnh lại cho anh, em hoặc người thân được hưởng với lý do là có nhiều trường hợp khi tham gia kháng chiến thì còn độc thân chưa có gia đình vợ con và cha, mẹ cũng đã mất.

Bộ Quốc phòng trả lời: Đối tượng hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã được các Bộ, ngành nghiên cứu kỹ, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Chính phủ và Bộ Chính trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và cân đối chung với các đối tượng được hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Quốc phòng xin tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đề xuất.

Cử tri đề nghị: Tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg chỉ quy định chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc; làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Đề nghị quan tâm, xem xét bổ sung quy định chế độ trợ cấp một lần đối với các đối tượng trên khi được tặng hoặc truy tặng Huân, Huy chương.

Bộ Quốc phòng trả lời: Chế độ, chính sách đối với các đối tượng quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg đã được các Bộ, ngành nghiên cứu kỹ, xin ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng Chính phủ và Bộ Chính trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và cân đối chung với các chế độ, chính sách quy định tại Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg, Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 142/2008QĐ-TTg.

Trường hợp đối tượng trên được khen thưởng, các chế độ được thực hiện theo Luật Thi đua - Khen thưởng.

Cử tri đề nghị đơn giản hóa các bước khi làm thủ tục hưởng chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.

Bộ Quốc phòng trả lời: Thủ tục hồ sơ hưởng chế độ quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg đã được thống nhất theo nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính kèm theo Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 10/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, thuộc phạm vi chức năng của Bộ Quốc phòng.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 5/1/2012 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, việc lập hồ sơ xét hưởng chế độ đối với các đối tượng bảo đảm chặt chẽ nhưng đơn giản, thuận tiện; đối tượng hoặc thân nhân đối tượng chỉ cần làm một bản kê khai theo mẫu, kèm theo một hoặc một số giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan (nếu có), nộp cho trưởng thôn hoặc UBND xã (phường) nơi cư trú, sau đó nhận kết quả do cấp xã thông báo.

Cử tri đề nghị sớm có hướng dẫn việc thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người có công trong trường hợp “Mất hồ sơ gốc không còn nhân chứng để xác nhận công lao của đối tượng người có công” theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.

Bộ Quốc phòng trả lời: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 5/1/2012 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì đối tượng không còn giấy tờ gốc, giấy tờ liên quan vẫn được xem xét, giải quyết chế độ trợ cấp một lần. Trên cơ sở bản tự kê khai của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng từ trần), Hội đồng chính sách cấp xã tổ chức xét duyệt, đề nghị trên quyết định hưởng chế độ (không quy định và yêu cầu người làm chứng).

Cử tri đề nghị xem xét, bổ sung đối tượng là bệnh binh cũng được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.

Bộ Quốc phòng trả lời: Đối tượng hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg đã được các Bộ, ngành nghiên cứu kỹ, xin ý kiến Ban Cán sự đảng Chính phủ và Bộ Chính trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước và cân đối chung với các đối tượng được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Quốc phòng xin tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đề xuất.

Cử tri đề nghị xem xét có chế độ cộng thâm niên và năm công tác khi tính bảo hiểm cho các đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.

Bộ Quốc phòng trả lời: Khoản 8 Điều 1 Nghị  định số 153/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân quy định: Quân nhân phục viên xuất ngũ trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cả 5 chế độ mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Cử tri đề nghị: Hiện lực lượng thanh niên xung phong giai đoạn chiến tranh biên giới phía Bắc (1978) chưa được hưởng chế độ, đề nghị cơ quan chức năng có những quy định, hướng dẫn cụ thể về chế độ, chính sách đối với nhóm đối tượng này.

Bộ Quốc phòng trả lời: Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày và các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định: Đối tượng được xét hưởng chế độ, chính sách là những người trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại địa bàn các huyện biên giới phía Bắc và các địa bàn lân cận có xảy ra chiến sự từ tháng 2/1979 đến ngày 31/12/1988 (bao gồm cả lực lượng thanh niên xung phong).

Quy định như vậy là phù hợp với thực tế chiến tranh diễn ra và cân đối với các quy định về thời gian diễn ra chiến tranh để thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng theo quy định tại Nghị định số 236-HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Nghị định số 04/2001/NĐ-CP ngày 16/1/2001, Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 21/02/2009 của Chính phủ.

Bộ Quốc phòng xin tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đề xuất trong mối quan hệ cân đối với các đối tượng khác cùng làm nhiệm vụ trong thời gian trên ở địa bàn biên giới.

 

(Theo chinhphu.vn)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website