Bạn đọc quan tâm
Công chứng không phải là một thủ tục hành chính (28/06/2013)
Theo Luật Công chứng và Nghị định 79/2007 qui định hoạt động công chứng và chứng thực là hai hoạt động có nội dung, bản chất khác nhau, được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau. “Công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp – một loại hình dịch vụ công nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên giao dịch, chứ không phải là một thủ tục hành chính”.

 

 

Ảnh minh họa

Đây là khẳng định được đưa ra trong thông cáo báo chí về hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực do Bộ Tư pháp phát hành.

Hoạt động công chứng do các công chứng viên hành nghề tại các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Còn chứng thực là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực, xác thực tính chính xác, có thực của giấy tờ, văn bản, chữ ký của cá nhân cũng như xác thực các sự kiện pháp lý, thông tin cá nhân khác để đáp ứng yêu cầu của người dân khi tham gia quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính...

Bộ Tư pháp cho rằng, hoạt động công chứng là rất cần thiết và ngày càng khẳng định vai trò trong đời sống xã hội, không chỉ ở Việt Nam và ở hầu hết các nước, nhất là trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Qua 6 năm thi hành Luật Công chứng và Nghị định 79/2007 đã mang lại những hiệu ứng tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, bảo đảm tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. Tuy nhiên, “do xuất phát từ thói quen “ưa” giấy tờ” nên hiện tượng lạm dụng bản sao của các cơ quan tổ chức và cá nhân vẫn xảy ra cũng như nhận thức hạn chế của người dân về thủ tục chứng thực, ở một số địa phương vẫn còn hiện tượng “cò” chứng thực, gây phiền hà cho người dân” – đây là thực tế “khó tránh khỏi”.

Để góp phần thúc đẩy việc thực hiện quyền, lợi ích của người dân tốt hơn, dự án Luật Chứng thực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng đang được soạn thảo sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất điều chỉnh lĩnh vực công chứng và chứng thực hình thành cơ sở pháp lý ổn định để đảm bảo an toàn pháp lý và bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền, lợi ích của người dân, tổ chức khi tham gia hợp đồng giao dịch và thưc hiện thủ tục hành chính.

Liên quan đến qui định về chứng thực chữ ký của người dịch dẫn đến tình trạng “chỉ chứng thực chữ ký của người dịch chứ không chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch”, trong khi chưa có văn bản pháp lý điều chỉnh việc quản lý đội ngũ dịch thuật nên khó quản lý chất lượng bản dịch, Bộ Tư pháp cho rằng đây là vấn đề cần xem xét. Bộ này cho biết đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về hoạt động dịch thuật trong lĩnh vực chứng thực (dự kiến sẽ được trình Chính phủ xem xét thông qua vào tháng 7). Nghị định này được ban hành sẽ góp phần quan trọng vào việc quản lý đội ngũ người dịch trong lĩnh vực chứng thực tại Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo trật tự quản lý hành chính, an toàn lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức./.

 

(Nguồn: dangcongsan.vn)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website