Bạn đọc quan tâm
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri Phú Yên (24/10/2013)

Trong đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII của đại biểu Quốc hội tỉnh, nhiều cử tri kiến nghị: Thực tế trong những năm gần đây, việc dạy học lịch sử tại các trường phổ thông đã có những bước tiến về nhận thức, nội dung và phương pháp dạy học. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận học sinh ngại môn học lịch sử, dẫn đến hiểu biết rất mơ hồ về lịch sử của dân tộc.

Trước thực trạng trên, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có các giải pháp để nâng cao nhận thức vai trò quan trọng của môn Lịch sử, cũng như cải tiến chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy bộ môn lịch sử.

Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phủ Yên đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét giải quyết. Ngày 09/9/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 6165 trả lời, nội dung như sau:

Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có rất nhiều cố gắng chỉ đạo đồng bộ việc dạy học môn Lịch sử ở trường phổ thông, đã tạo ra được sự chuyển biến về mặt nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh, qua đó chất lượng dạy học bộ môn lịch sử ngày càng nâng cao. Điều đó được thể hiện ngày càng có nhiều giờ dạy lịch sử, giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, các kỳ thi, hội giảng giáo viên giỏi được nâng cao về chất lượng, nhiều học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng và kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc, Bộ Giáo dục và Đào tạo không phủ nhận cách biên soạn nội dung chương trình, sách giáo khoa Lịch sử còn nặng nề dạy sự kiện, con số, ngày tháng; phương pháp giảng dạy của giáo viên nặng về thuyết trình, yêu cầu học sinh nhớ máy móc, chủ yếu vẫn theo học lối đọc – chép; Việc ra đề thi tuyển sinh đại học và cao đẳng còn nặng nề về kiểm tra sức nhớ của học sinh đã dẫn đến học sinh học môn Lịch sử thấy nặng nề, không hấp dẫn.

Để khắc phục tình trạng trên, trước mắt, thực hiện đổi mới một bước nội dung, chương trình, phương pháp dạy học môn Lịch sử; đổi mới kiểm tra, đánh giá, việc ra đề thi, đề kiểm tra khoa học, phù hợp với nhận thức học sinh, sát chương trình phổ thông, cấu trúc đề hợp lý, cân đối giữa kiến thức, kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi của học sinh ở các cấp học; Tổ chức thi Học sinh giỏi môn Lịch sử, các cuộc thi tìm hiểu về các sự kiện lịch sử, các hoạt động ngoại khóa, dạy học ở các bảo tàng, thăm quan các di tích lịch sử, đường lên đỉnh Olympya..., tăng cường các điều kiện dạy học, phối hợp xây dựng môi trường xã hội thuận lợi cho việc dạy học bộ môn Lịch sử, để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở các trường phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tiếp tục yêu cầu các sở, các nhà trường đẩy mạnh xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả hơn; gắn hoạt động này với việc dạy lịch sử để làm cho mọi học sinh yêu thích và tự nguyện tìm hiểu lịch sử Việt Nam, lịch sử địa phương nhiều hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết chương trình phối hợp công tác với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từ nay đến năm 2020 để đổi mới việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường; Triển khai tổ chức Olympic về môn Lịch sử, tổ chức Hội thảo quốc gia về dạy học lịch sử, nhằm đánh giá chương trình, sách giáo khoa sau 2015; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá bộ môn lịch sử ở trường phổ thông.

 

(Theo qh-hdndphuyen.gov.vn)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website