Bạn đọc quan tâm
Bộ Công Thương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri Phú Yên (04/09/2013)
Trên cơ sở báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII của Ban Dân nguyện – UBTV Quốc hội chuyển tới Bộ Công Thương, cử tri có ý kiến như sau:

(1) Đề nghị Chính phủ cần tăng cường hơn nữa các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, theo dõi diễn biến thị trường thế giới có ảnh hưởng đến thị trường, giá cả hàng hoá trong nước và kịp thời đề ra các giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm kìm chế lạm phát, giữ bình ổn giá đối với các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng thiết yếu, giá điện, giá xăng dầu, đặc biệt là giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, giá vàng và đồng đô la Mỹ. (2) Hiện nay, các mặt hàng nông sản như: giá lúa, sắn mì, mía… tuy được mùa nhưng giá cả xuống thấp, không tiêu thụ được cộng với việc giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao nên đời sống của nông dân vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. (3) Đề nghị xem xét, đánh giá về tình hình hoạt động của tập đoàn Điện lực Việt Nam trong những năm qua.

Qua phản ánh của cử tri, Bộ Công Thương vừa có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, nội dung cụ thể như sau:

1. Về các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, theo dõi diễn biến thị trường thế giới có ảnh hưởng đến thị trường, giá cả hàng hoá trong nước và kịp thời đề ra các giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm kìm chế lạm phát, giữ bình ổn giá:

Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa và theo dõi, đánh giá tác động của thị trường thế giới đến giá cả, thị trường trong nước để kịp thời đề ra các biện pháp kiềm chế lạm phát, giữ bình ổn giá đối với các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng thiết yếu là những công việc được Chính phủ rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo Bộ Công Thương tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, do sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, nhiên liệu nhập khẩu nên biến động của giá cả thị trường thế giới sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến giá cả hàng hoá trong nước. Năm 2013, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt thông qua các Nghị quyết như Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP…. Theo đó, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công Thương “chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, tết. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá”, “theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước, thế giới đề chủ động dự báo và có cac biện pháp điều hành phù hợp…”

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc theo dõi diễn biến thị trường trong và ngoài nước, thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đáng giá sát tình hình; chủ động thực hiện hoặc đề xuất kiến nghị lên Chính phủ các biện pháp can thiệp giúp ổn định thị trường. Cụ thể:

Đối với mặt hàng gạo: phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất, kiến nghị Chính phủ ban hành các quyết định mua lúa gạo tạm trữ cho người trồng lúa nhằm hạn chế tình trạng giá xuống thấp, góp phần bảo đảm lợi ích của người trồng lúa.

Đối với mặt hàng thực phẩm: phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT thường xuyên rà soát tình hình cung cầu, giá cả một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu; tham gia khảo sát thực tế thị trường sản phẩm chăn nuôi các tỉnh phía nam và kiến nghị Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi; phối hợp với một số địa phương xử lý nghiêm tình trạng tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng trứng gia cầm của một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại trong tháng 01/2013 trong bối cảnh giá thu mua trứng của nông dân không tăng.

Đối với mặt hàng đường: Trong bối cảnh nguồn cung vụ mía đường 2012-2013 dồi dào, lượng tồn kho mặt hàng đường cao, giá đường liên tục giảm, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT thống nhất phân giao hạng ngạch thuế quan năm 2013 ở mức tối thiểu (73.500 tấn), thời điểm phân giao hạng ngạch thực hiện theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNT để không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ đường sản xuất trong nước; đồng thời, tạo điều kiện cho xuất khẩu đường sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ.

Đối với mặt hàng phân bón: Tổ chức hội nghị “ Cục diện thị trường và định hướng quản lý nhà nước về phân bón” ngày 27/5/2013 nhằm phổ biến một số quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân bón, góp phần nâng cao năng lực quản lý cho các địa phương, đồng thời đề xuất một số định hướng quản lý trong thời gian tới nhằm mục tiêu bình ổn thị trường đối với mặt hàng này.

Đối với mặt hàng sữa: Trước tình hình nhiều sản phẩm sữa đồng loạt tăng giá trong những tháng đầu năm và thực trạng các sản phẩm có thành phần sữa nhưng đăng ký là thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, gây khó khăn cho việc quản lý giá theo quy định của pháp luật, ngày 10/4/2013, Bộ Công Thương đã tổ chức họp các Bộ, ngành có liên quan ( Cục quản lý giá, Tổng Cục Hải quan- Bộ Tài chính; Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ) bàn các giải pháp bình ổn thị trường sữa và đã có Công văn gửi các Bộ, ngành để tiếp tục triển khai các giải pháp đã thống nhất tại cuộc họp. Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, tổ chức đoàn kiểm tra xử lý nghiêm hiện tượng gian lận thương mại, kê khai gian dối về hàng hóa đối với nhóm sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em.

Đối với mặt hàng xăng dầu: phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính sử dụng linh hoạt các công cụ như thuế, phí và quỹ bình ổn giá để điều hành giá xăng dầu theo sát với diễn biến của thị trường thế giới, phù hợp với nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật.

Bộ cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng và nhân rộng mô hình Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ. Việc triển khai chương trình vừa tạo điều kiện để gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, phân phối với người tiêu dùng, vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Với sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, từ đầu năm tới nay, thị trường hàng hóa nhìn chung tương đối ổn định. 7 tháng đầu năm 2013, chỉ số CPI chỉ tăng 2,68% (so với tháng 12/2012) - đây là mức tăng khá thấp trong những năm gần đây.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, giá cả. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu trong đó có mặt hàng xăng dầu, phân bón, qua đó nâng cao năng lực sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đồng thời tăng cường liên kết giữa các khâu nhằm kiểm soát giá bán và chất lượng sản phẩm. Bộ cũng đang nghiên cứu để đề xuất nhân rộng và phát triển mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định số 23/QĐ-TTg nhằm cung ứng tốt hơn các mặt hàng vật tư nông nghiệp cho các vùng nông thôn với giá hợp lý, đồng thời tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản cung ứng ra thị trường nội địa, giảm các khâu trung gian làm gia tăng chi phí gây tăng giá hàng hóa.

2. Về tình hình cung cầu mặt hàng nông sản

Năm 2013, một số mặt hàng nông sản (trong đó có lúa, gạo) trên thế giới tiếp tục trong tình trạng cung vượt cầu (năm thứ 8 liên tiếp). Bên cạnh đó, việc tự túc lương thực của một số nước nhập khẩu truyền thống như Philipines, Indonexia, một số nước Châu Phi….đã khiến thương mại gạo thế giới giảm sút, giá gạo thế giới có xu hướng sụt giảm mạnh kể từ năm 2012 và đặc biệt giảm sâu kể từ quý II năm 2013. Trong khi đó, gạo Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt về giá và chất lượng với gạo Ấn Độ, Myanmar tại phân khúc gạo cấp trung và cấp thấp tại thị trường Châu Phi, chỉ có lợi thế ở phân khúc gạo chất lượng cao do giá cạnh tranh. Tuy nhiên, theo thông tin từ các thị trường nhập khẩu, lúa gạo của Việt Nam không được thị trường đánh giá cao, khó tiêu thụ, giá lúa gạo có xu hướng sụt giảm khi vào vụ thu hoạch, ảnh hướng bất lợi đến thu nhập, đời sống của người nông dân sản xuất lúa.

Trong những thời điểm thị trường khó khăn, Chính phủ đã có các quyết định mua lúa gạo tạm trữ cho người trồng lúa, điều này có tác động tích cực tới giá gạo hàng hóa, góp phần đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa. Tuy nhiên, trước tình hình thương mại gạo khủng hoảng dư cung và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, số lượng gạo xuất khẩu lại chỉ chiếm một phần nhỏ (khoảng từ 25-28%) trong tổng lượng gạo người nông dân sản xuất ra trên phạm vi cả nước, việc đảm bảo nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân sản xuất lúa cần phải triển khai thực thi đồng bộ các giải pháp liên quan chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Để triển khai các chính sách của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ một số mặt hàng nông sản, đồng thời góp phần tổ chức khâu lưu thông phân phối, Bộ Công thương đã tiến hành các công việc chủ yếu sau:

Thực hiện Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”, thời gian qua, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND 12 tỉnh: An Giang, Bắc Giang, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Lào Cai, Đồng Tháp, Tiền Giang, Lâm Đồng, Sơn La và Bình Thuận chỉ đạo Sở Công thương cùng với các Sở, ngành liên quan xây dựng mỗi tỉnh 2 mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các mô hình tuy mức độ có khác nhau về quy mô, diện tích, mặt hàng, số lượng, chủ thể tham gia và hiệu quả về kinh tế- xã hội, nhưng sự liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hộ nông dân tham gia mô hình trong suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ đã đem lại lợi ích thiết thực cho từng chủ thể, trong đó, quyền lợi của người nông dân được bảo đảm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các chủ thể cao hơn so với trước khi tham gia mô hình.

Triển khai thực hiện Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc “ Ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia”, cùng với các chương trình nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm thuộc nội dung Xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, Bộ Công thương đã phê duyệt nhiều nội dung thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia về Xúc tiến thương mại miền núi, biên giới và hải đảo và Xúc tiến thương mại trong nước có liên quan, trong đó, hỗ trợ các đơn vị chủ trì thực hiện các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các Hội chợ nông nghiệp, Hội chợ thương mại tại địa phương hoặc cấp vùng…, góp phần không nhỏ trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm của người chăn nuôi.

Đầu năm 2012, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công thương, các hiệp hội ngành nghề (như Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam- VASEP, Hiệp hội Rau quả, Hiệp hội Chè Việt Nam…) tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới, chủ động trong việc tổ chức hệ thống đại lý thu mua, đến tận nơi thu gom với nhiều hình thức thanh toán linh hoạt để cạnh tranh trên thị trường, chú trọng công tác hỗ trợ thẩm tra năng lực pháp nhân, giao dịch ký kết hợp đồng, bảo lãnh thanh toán trong mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài nhằm bảo đảm lợi ích cho người nông dân, người tiêu dùng và người buôn bán hợp pháp.

Trong tháng 4 và 5 năm 2013, Bộ Công thương đã thành lập Đoàn công tác làm việc với Sở Công thương một số tỉnh, thành phố để trao đổi tình hình sản xuất, tiêu thụ và xây dựng kế hoạch, biện pháp thông quan năm 2013 đối với những mặt hàng nông sản như vải thiều, dưa hấu, thanh long và sắn.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT góp ý xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản nhằm thay thế Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/06/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, trước hết là Bộ Nông nghiệp và PTNT nhằm hoàn thiện chính sách, giải pháp thúc đẩy mối quan hệ liên kết giữa các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên cơ sở sửa đổi Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/06/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng để vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp vừa phát triển các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường.

Tiếp tục đề xuất với Chính phủ và bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ dân sinh…, tạo tiền đề vật chất cho hoạt động lưu thông hàng hóa nói chung, nông sản- thực phẩm nói riêng.

Chỉ đạo các Thương vụ tại các nước đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phối hợp với doanh nghiệp trong nước xây dựng các kênh thông tin về thị trường.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Công thương khẩn trương xây dựng và hoàn tất Dự thảo “Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực kiểm nghiệm kiểm dịch vệ sinh an toàn hàng nông sản và thực phẩm xuất nhập cảnh” trong quý III năm 2013 để kịp trao cho phía Trung Quốc, khẩn trương đàm phán và ký kết trong năm nay (bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc).

3. Về tình hình hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong những năm qua

Trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam như: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; chỉ đạo, đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện theo Quy hoạch; giám sát và điều hành tình hình cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên trong toàn quốc; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam vận hành thị trường phát điện cạnh tranh…

Thực hiện Nghị định 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012, của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, ngày 11/03/2013, Bộ Công thương đã có Quyết định số 1445/QĐ-BCT phân công nhiệm vụ thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước của Bộ Công Thương đối với doanh nhiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường giám sát Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng, các Tập đoàn, Tổng công ty nói chung về toàn diện các mặt hoạt động nhằm bảo toàn vốn cho nhà nước cũng như có thể kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

 

Mỹ Luận

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website