Tin trong nước
Bão Utor tiếp tục di chuyển nhanh về phía Đông khu vực Bắc biển Đông (12/08/2013)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 01 giờ ngày 12/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 122,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

 

Dự báo vị trí và hướng di chuyển của cơn bão. Ảnh: Trung tâm DBKTTV Trung ương

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km, vượt đảo Lu-Dông (Philippin) và đi vào phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Đến 01 giờ ngày 13/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 520km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 01 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 230km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông Bắc biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14, cấp 15, giật cấp 16, cấp 17, có mưa rào và dông mạnh. Biển động dữ dội.

* Hồi 01 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250 km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 01 giờ ngày 13/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực phía Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Ở các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.

Chủ động ứng phó bão Utor

Hồi 8 giờ 30 ngày 11/8, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Ủy ban Quốc gia TKCN đã gửi công điện tới Ban Chỉ huy PCLBTKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; Ban Chỉ huy PCLBTKCN các Bộ Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngoại giao.

Công điện nêu rõ: Hiện nay trên vùng biển phía Đông Philippines, cơn bão Utor đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đến trưa mai (12/8) sẽ vào khu vực Bắc Biển Đông. Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh và còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo đề nghị các tỉnh, thành phố, các bộ tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão và áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới là vùng biển phía Bắc vĩ tuyến 11, phía Nam vĩ tuyến 16 và vùng biển Đông Bắc biển Đông. Tùy theo diễn biến của bão và áp thấp nhiệt đới vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.

Các tỉnh, thành phố, các bộ cần theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, đặc biệt đối với các tàu đánh bắt xa bờ để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia TKCN.

 

(Tổng hợp từ: dangcongsan.vn và chinhphu.vn)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website