Tin trong nước
Đẩy mạnh bảo vệ tài nguyên và môi trường biển theo hướng phát triển bền vững (10/09/2013)
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững.

 

 

Ảnh minh họa

Tài nguyên và môi trường biển có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng, gắn liền với chủ quyền quốc gia, đặc quyền kinh tế và an ninh quốc phòng trên biển, là nguồn lực đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Mục tiêu chiến lược nhằm hiểu rõ hơn về tiềm năng, lợi thế, các tác động bất lợi từ biển; giữ gìn chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. 

Những mục tiêu cụ thể bao gồm: Đáp ứng một bước hạ tầng thông tin kỹ thuật cơ bản về tài nguyên và môi trường biển; Cung cấp thông tin dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu kịp thời, đủ độ tin cậy phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và trên các đảo; Giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường vùng ven biển, vùng biển ven bờ và trên các đảo; Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển; Tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường biển.

Theo Quyết định, nội dung Chiến lược bao gồm: Nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển; Phát triển năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu trên các vùng biển; Khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững không gian, mặt nước, tài nguyên thiên nhiên, vị thế của biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, trên các đảo, phát triển kinh tế biển bền vững; Kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước biển, trên các đảo; Bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học biển, tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái biển trước tác động của biến đổi khí hậu.

Trong đó, cần xác định rõ hơn khả năng xảy ra động đất dọc theo các đứt gãy hoặc chỗ giao nhau của đứt gãy, đặc biệt là trên vùng trũng tiền châu thổ sông Hồng, vùng Nga Sơn - Đèo Ngang, Tam Kỳ - Phước Sơn, Đà Nẵng - An Hòa, Đà Rằng - Cà Ná ...; Tập trung điều tra, đánh giá làm rõ hơn tiềm năng sa khoáng ilmenit - zircon - đất hiếm và các kim loại quý dọc theo dải bờ biển và vùng biển nông, dầu khí trên các vùng biển. Đồng thời, điều tra, đánh giá, lập bản đồ các hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, các hệ sinh thái đặc thù, các luồng di cư của sinh vật biển, lập ngân hàng dữ liệu các loài sinh vật biển, đặc biệt các loài có giá trị kinh tế...

Quyết định cũng nêu rõ 6 giải pháp tổng thể của Chiến lược, đó là: (1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; (2) Hoàn thiện và vận hành thông suốt thể chế quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; (3) Chú trọng đào tạo, huy động, sử dụng nguồn nhân lực cho điều tra, nghiên cứu về biển; (4) Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn cho điều tra cơ bản; (5) Đẩy manh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo; (6) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo./.

 

(Theo dangcongsan.vn)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website