Tin trong nước
Phê duyệt 2.333 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư Chương trình 135 (13/12/2013)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh sách 2.333 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015.

 

Ảnh minh họa

Theo đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư 2.294 xã của 44 tỉnh.

Ngân sách địa phương  hỗ trợ đầu tư 39 xã của thành phố Hà Nội, các tỉnh: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trong 2.333 xã có 57 xã không phân định; 78 xã khu vực I; 130 xã khu vực II; 2068 xã khu vực III.

Tỉnh có nhiều xã khó khăn nhất là tỉnh Hà Giang với 140 xã; tỉnh Cao Bằng 137 xã; tỉnh Lào Cai 120 xã; tỉnh Thanh Hóa 118 xã; tỉnh Lạng Sơn 111; tỉnh Sơn La 106 xã; tỉnh Điện Biên 101 xã...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015.

Mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2012-2015 là giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm. Đến 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 50% mức bình quân chung khu vực nông thôn của cả nước; 85% số thôn có đường cho xe cơ giới, trong đó có 35% số xã và 50% thôn có đường giao thông đạt chuẩn.

Giai đoạn 2016-2020, sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Được biết, Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135 giai đoạn II) là chương trình xóa đói giảm nghèo đặc biệt của Chính phủ đã được triển khai trên địa bàn 1.958 xã; 3.274 thôn, bản đặc biệt khó khăn của 369/690 huyện thuộc 50/63 tỉnh.

Nguồn vốn Trung ương đã bố trí cho chương trình là 14.025 tỷ đồng, trong đó định mức đầu tư các dự án thành phần tăng theo hàng năm. Ngân sách địa phương bố trí trên 635 tỷ đồng. Trong 5 năm, chương trình đã huy động 7 nhà tài trợ cam kết hỗ trợ khoảng 367 triệu USD (tương đương 6.240 tỷ đồng).

Chương trình đã có tác động đáng kể tới mức sống của các hộ gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn, nhất là các hộ dân tộc thiểu số. Thu nhập của các hộ đã tăng lên khoảng 20% sau 5 năm, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước.

Điều kiện về nhà ở đã được cải thiện đáng kể ở tất cả các gia đình. Diện tích nhà ở trung bình tính trên đầu người đã tăng từ 13m2 lên 18m2 trong khoảng thời gian từ 2007-2012. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện tăng từ 68,6% (năm 2007) lên 83,6% (năm 2012).

Chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình trong các xã Chương trình 135 được cải thiện đáng kể. Khoảng 70,9% số hộ có ít nhất một điện thoại trong năm 2012; gần 70% số hộ có ti vi; tỷ lệ các hộ có xe máy đã tăng từ 43,8% lên 66,2%. Ở cả hộ nghèo, không nghèo và tất cả các nhóm dân tộc thiểu số, tỷ lệ sở hữu xe máy đều tăng.

 

(Theo chinhphu.vn)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website