Tin trong nước
Tổng kết 10 năm hoạt động Ngân hàng CSXH Việt Nam:
Trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo (15/04/2013)
Trong 10 năm qua, đã có trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

 

Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động của NHCSXH - Ảnh: chinhphu.vn

 

Sáng 15/4, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXH) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động (giai đoạn 2003-2012). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự Hội nghị.

Qua 10 năm xây dựng và phát triển, tính đến ngày 31/12/2012, tổng dư nợ của Ngân hàng đạt 113.921 tỷ đồng. Hơn 97% dư nợ của Ngân hàng tập trung vào 6 chương trình tín dụng chủ yếu, trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo vẫn là chương trình lớn nhất, chiếm tỷ trọng 36,5%; tiếp đến là chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (chiếm 31,4%); chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (11,3%); chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (9,3%); chương trình cho vay giải quyết việc làm (5%).

Cũng trong 10 năm qua, đã có trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, qua đó góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 3 triệu học sinh, sinh viên  có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 4,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên 88.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 484.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; hơn 98.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động động có thời hạn ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, với tư duy và cách làm sáng tạo, NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của nước ta. Mô hình này đã củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa Ngân hàng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội từ trung ương tới địa phương, gắn bó với người dân thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị-xã hội thành lập (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…).

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tín dụng của Nhà nước, đồng thời, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, NHCSXH phấn đấu thực hiện 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%; đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn quy trình nghiệp vụ; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tính dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh: chinhphu.vn

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong hơn 10 năm qua, nhất là việc Ngân hàng đã bám sát mục tiêu tập trung nguồn lực tài chính để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Với tư duy và cách làm sáng tạo, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã xây dựng được mô hình quản lý tín dụng đặc thù và hiệu quả, đưa nguồn vốn chính sách của Nhà nước xuống tận cấp xã một cách công khai, dân chủ. Cách làm này đã mang lại hiệu quả kinh tế và có ý nghĩa chính trị-xã hội. Thông qua đó, hoạt động của chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị-xã hội gắn bó hơn với đời sống của nhân dân, đặc biệt là những hộ nghèo, góp phần quan trọng cho công tác xóa đói, giảm nghèo.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển mới, Ngân hàng Chính sách Xã hội phải tiếp tục nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng nêu rõ, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm nhưng số hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn lớn nên nhiệm vụ giảm nghèo bền vững rất nặng nề. Vì vậy, Ngân hàng Chính sách Xã hội phải thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp  đã đề ra trong Chiến lược Phát triển Ngân hàng Chính sách Xã hội giai đoạn 2011-2020.

Thủ tướng nhấn mạnh các Bộ, ngành liên quan cần tập trung xem xét, giải quyết hợp lý, kịp thời những đề xuất, kiến nghị của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện thực hiện tốt hơn và hiệu quả hơn chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính và tăng tính chủ động của Ngân hàng Chính sách Xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn vay của các đối tượng chính sách. Từng bước tăng tỷ lệ vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua các hình thức; nghiên cứu đề xuất giao định mức chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và nâng mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để tạo tính chủ động cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Các địa phương cần dành một phần nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương hằng năm để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay đối với các đối tượng chính sách, góp phần tăng cường nguồn vốn tín dụng giảm nghèo tại địa phương.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, các tổ chức chính trị-xã hội, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và các hoạt động của các hội, các đoàn thể nhằm giúp người vay sử dụng tín dụng có hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác vay vốn bảo đảm việc cho vay đúng đối tượng, đúng chính sách, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.

Các Bộ, ngành cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện cho người lao động có điều kiện làm việc tốt hơn, yên tâm công tác, có thu nhập ổn định.

 

(Theo chinhphu.vn)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website