Tin quốc tế
Liên Hợp Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba (30/10/2013)

Với 188 phiếu thuận, 2 phiếu chống, 3 phiếu trắng, ngày 29/10, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) nhất trí thông qua nghị quyết lên án lệnh bao vây cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt chống Cuba trong suốt hơn 50 năm qua.

Đây là lần thứ 22 liên tiếp, Đại Hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết về vấn đề này.

Theo Trung tâm Thông tin của LHQ (UN News Centre), 2 thành viên bỏ phiếu chống là Mỹ và Israel; 3 phiếu trắng gồm các thành viên quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Palau.

Phát biểu trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez Parrilla cho biết, sau khi Cách mạng Cuba thành công vào năm 1959, Mỹ bắt đầu áp dụng lệnh cấm vận Cuba (năm 1962). Sau hơn 50 năm, chính sách của Mỹ gây thiệt hại hơn 1.157 tỷ USD cho nền kinh tế Cuba và đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đại diện của hầu hết các nước trên thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba cũng nhấn mạnh, dù Mỹ đã nới lỏng hạn chế đi lại với Cuba, song các biện pháp trừng phạt vẫn còn nguyên và chúng đang được thực thi một cách triệt để.

Năm 2012, Mỹ nới lỏng các hạn chế về thị thực đối với người Cuba và Chính phủ Cuba cũng đã tạo điều kiện đi lại dễ dàng hơn đối với các công dân của mình. Theo số liệu chính thức, người Cuba đã thực hiện hơn 180.000 chuyến đi nước ngoài trong năm 2013. Cơ quan đại diện cho lợi ích của Mỹ tại La Havana đã cấp 16.767 thị thực cho người dân Cuba trong nửa đầu năm 2013, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2012.

Bên cạnh đó, mặc dù là đối tượng của lệnh trừng phạt kinh tế, ở Cuba vẫn tràn ngập hàng hoá và tiền của Mỹ. Đó là kết quả của việc Cuba thay đổi chính sách và xu thế toàn cầu hoá kinh tế thế giới. Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Cuba đã bắt đầu thúc đẩy du lịch quốc tế, chào đón người Mỹ gốc Cuba, mở cửa cho thương mại và đầu tư phương Tây, công nhận đồng USD. Mục tiêu của các biện pháp đó là nhằm huy động tiền để nhập khẩu dầu, thực phẩm và những sản phẩm khác.

Trên thực tế, do cuộc cách mạng về thông tin và toàn cầu hóa kinh tế thế giới, các biện pháp cấm vận của Mỹ cũng phần nào bị vô hiệu hoá. Chính phủ Mỹ cấm đoán hầu hết công dân của Mỹ tới Cuba, nhưng trong năm 2012 có khoảng 200.000 người Mỹ vẫn tới du lịch quốc đảo này, đưa lượng du khách Mỹ vào Cuba lớn thứ ba sau Canada và Đức.

Hằng năm số tiền của người Mỹ gốc Cuba chuyển về cho người thân khiến thu nhập ngoại hối của Cuba tăng thêm tới 800 triệu USD. Các công ty và ngân hàng nước ngoài đang tham gia vào hơn 400 liên doanh với Cuba và đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào đất nước này. Các tổ chức tài chính nước ngoài cũng cung cấp cho Cuba hàng tỷ USD mỗi năm dưới hình thức tài trợ hay cấp tín dụng thương mại. Hơn thế, rất nhiều công ty và công dân Mỹ đã đầu tư vào các công ty làm ăn ở Cuba. Hầu hết các tổ chức tài chính và ngân hàng đầu tư Mỹ đều cung cấp dịch vụ cho những công ty có hoạt động thương mại ở Cuba.

Hiện tại, lệnh cấm vận các doanh nghiệp Mỹ tiến hành kinh doanh với Cuba vẫn còn hiệu lực và là lệnh cấm vận thương mại lâu dài nhất trong lịch sử hiện đại. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu lớn thứ 5 vào Cuba (6,6% hàng hóa nhập khẩu của Cuba là từ Mỹ).

 

(Theo chinhphu.vn)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website