Tin quốc tế
Việt Nam không ngừng thực hiện trao quyền cho phụ nữ (12/03/2015)

Việt Nam đã không ngừng thực hiện trao quyền cho phụ nữ, thu hẹp khoảng cách về giới và thúc đẩy bình đẳng giới. Sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ, từ xây dựng luật pháp, chính sách đến việc thực thi bình đẳng giới.

 

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp - Ảnh: Bộ LĐTB&XH

Theo tin Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền – Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ làm Trưởng đoàn đã tham dự Phiên họp cấp cao lần thứ 59 về kiểm điểm 20 năm toàn cầu thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh do Ủy ban địa vị phụ nữ của Liên Hợp Quốc tổ chức từ 9-12/3 tại New York, Mỹ.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong việc trao các quyền lợi phụ nữ. Trong đó, hiện thực hóa các mục tiêu của Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh là cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam

Việt Nam không ngừng thực hiện trao quyền cho phụ nữ, thu hẹp khoảng cách về giới và thúc đẩy bình đẳng giới. Sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ, từ xây dựng luật pháp, chính sách đến việc thực thi bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trên thực tế.

Hệ thống pháp luật cũng được hoàn thiện. Luật Bình đẳng giới và Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội thông qua. Chính phủ phê duyệt và thực hiện hiệu quả các chiến lược, chính sách, chương trình hành động về sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới phù hợp với từng giai đoạn từ năm 1997 đến nay và đến năm 2020.

Vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam trong mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đã được nâng lên. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội luôn ở mức cao trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khoảng cách chênh lệch về giới trong tiếp cận giáo dục hầu như không còn trong tất cả các bậc học, thậm chí nhiều phụ nữ đạt được bằng đại học và cao đẳng hơn nam giới. 48,5% lực lượng lao động của Việt Nam là phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt hơn 20%.

Trong lĩnh vực chính trị, lần đầu tiên Việt Nam có 2 nữ Ủy viên Bộ chính trị, 2 nữ Phó Chủ tịch Quốc hội, 1 Phó Chủ tịch nước. Trên bình diện khu vực, Việt Nam đã tích cực và chủ động đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy địa vị của phụ nữ, đặc biệt là việc hình thành và phát triển mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN. Việt Nam đã đạt được các chỉ số xếp hạng đáng khích lệ trong thực hiện bình đẳng giới của Liên hợp quốc, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47 trong 187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn và thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ. Để tiếp tục đạt được các mục tiêu chiến lược của Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, Việt Nam quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; phát triển kinh tế đi liền với tiến bộ xã hội, xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo tốt hơn nữa các quyền của phụ nữ và trẻ em gái.

 

(Nguồn: Chinhphu)

 

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website