Thông tin hoạt động trong Tỉnh
Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Tiếp công dân (19/09/2014)

Sáng 19/9, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để phổ biến, quán triệt Luật Tiếp công dân, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ và triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Phú Yên có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, hội, đoàn thể tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Phú Yên

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, bảo vệ quyền con người của công dân, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và pháp luật để thực hiện, đảm bảo quyền lợi của công dân thông qua Luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Để xác định tầm quan trọng đối với công tác này, chúng ta đã có nhiều luật mới được ban hành như luật khiếu nại, tố cáo, luật tiếp công dân, đặc biệt tháng 4/2014 Bộ chính trị có Chỉ thị số 35 về công tác này, cùng các văn bản pháp luật khác đã thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng một cách toàn diện đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Vì vậy, đề nghị các cấp, các ngành thống nhất nhận thức, quan điểm, cách làm; làm rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật; cơ chế giám sát tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền địa phương trong vấn đề này. Qua đó tạo diễn biến mới, quyết tâm hơn, cụ thể hơn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Luật Tiếp công dân được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2013, có hiệu lực từ ngày 01/7/2014, đã quán triệt và cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tiếp công dân, đồng thời có những đổi mới căn bản, toàn diện về tổ chức và hoạt động tiếp công dân nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập đang đặt ra trong thực tiễn tiếp công dân, xây dựng cơ chế hữu hiệu và tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh một cách đầy đủ, công khai minh bạch; đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của công dân.

Luật gồm có 09 chương, 36 điều đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh và trách nhiệm của người tiếp công dân; việc tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; tiếp công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước; tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Một điểm mới trong Luật Tiếp công dân so với các quy định trước đây là việc thành lập Ban Tiếp công dân ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện để trực tiếp quản lý Trụ sở tiếp công dân; phối hợp cùng đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân của mỗi cấp.

                                            

Tin, ảnh: Mỹ Luận

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website