Thông tin hoạt động trong Tỉnh
Sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản (31/03/2014)
Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên 2014, sáng 30-3, tại thành phố Tuy Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản.

Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc.

 

Quang cảnh tại Hội nghị sáng 30/3

Báo cáo sơ kết tại Hội nghị cho biết: Ngày 16/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2020 với 26 nhiệm vụ cụ thể. Qua ba năm thực hiện, ngành thủy sản đã hoàn thành 18 nhiệm vụ, 6 nhiệm vụ đang trong quá trình xem xét phê duyệt, 2 nhiệm vụ đang tiếp tục xây dựng (trong đó có việc xây dựng Luật Thủy sản sửa đổi, thời hạn trình 2015).

Đánh giá về những chuyển biến và đóng góp của ngành thủy sản cho nền kinh tế, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, mặc dù trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn về thị trường và vốn nhưng ngành thủy sản vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khá cao, nhất là trong 3 năm qua. Thống kê hằng năm và sơ bộ thực hiện năm 2013, giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) thời kỳ 2011-2013 của ngành đạt mức tăng trưởng bình quân 4,85%/năm, trong đó giá trị sản xuất khai thác đạt 5,94%/năm và nuôi trồng đạt 4,16%/năm. Lĩnh vực thủy sản đã từng bước chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng sản lượng khai thác, tăng sản lượng và giá trị thủy sản nuôi, đang đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành thủy sản đã đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về sản lượng cá tra, đứng thứ 3 về sản lượng tôm và sản phẩm thủy sản Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường, đến tháng 9/2013 đã có mặt tại 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 16 thị trường so với năm 2010. Thị trường chính là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự Hội nghị, sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thủy sản, đến nay mặt được nổi bật nhất là các quan điểm, định hướng Chiến lược được khẳng định thông qua thực tế sản xuất; trong đó sản phẩm thủy sản tiếp tục duy trì uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất thủy sản góp phần bảo đảm nhu cầu thực phẩm của người dân và tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp.

Cùng với đó, các mục tiêu đang được Bộ NN&PTNN bám sát thực hiện và đến năm 2013 đã có 9 tiêu chí cơ bản đến năm 2015 (tại Kế hoạch 2011-2015) đã đạt được. Công tác chỉ đạo thực hiện các nội dung của Chiến lược cũng khá kịp thời, bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về biến đổi khí hậu, kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng trong nước và quốc tế trong bối cảnh có nhiều thay đổi...

Tuy nhiên, theo các đại biểu, bên cạnh các kết quả đạt được, ngành thủy sản phát triển chưa thể hiện tính bền vững, cụ thể là các chỉ tiêu đạt và vượt chủ yếu về lượng; tỷ trọng sản phẩm giá trị cao còn thấp; hiệu quả khai thác hải sản chưa cao; thu nhập của lao động nghèo trong ngành thủy sản chưa chuyển biến rõ néti; mức độ chuyển dịch cơ cấu nội ngành giai đoạn 2010-2013 chậm (tỷ trọng sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tổng sản lượng thủy sản tăng 2,2% trong 3 năm; tỷ trọng gia tăng sản xuất nuôi trồng thủy sản trong giá trị sản xuất thủy sản giảm 2% trong giai đoạn 2010-2013); tỷ lệ tàu công suất thấp còn lớn (dưới hoặc bằng 90CV chiếm 75,6%); chưa tạo được liên kết trong chuỗi sản xuất, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm quốc gia và chỉ dẫn đại lý đối với sản phẩm thủy sản chủ lực.

Về quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngày 16/8/2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch trên tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg. Trong đó, các điểm trọng tâm bố trí quy hoạch theo 6 vùng sinh thái: Trung du miền núi phía Bắc, Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng Sông Cửu Long cùng 9 đối tượng chủ lực gồm: Tôm sú, tôm chân trắng, cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, nhóm cá biển, nhóm nhuyễn thể, nhóm rong biển, tôm hùm.

Đồng thời, Quy hoạch tổng thể này cũng cho biết sẽ xây dựng 6 trrung tâm nghề cá gắn với ngư trường trọng điểm và vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước gồm: Trung tâm nghề cá Hải Phòng, Trung tâm nghề cá Đà Nẵng, Trung tâm nghề cá Khánh Hóa, Trung tâm nghề cá Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm nghề cá Kiên Giang và Trung tâm nghề cá Cần Thơ (gắn với vùng phát triển nuôi trồng thủy sản Đồng bằng Sông Cửu Long).

Cũng tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT đã công bố Đề án tái cấu trúc ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, nêu rõ các giải pháp chính trong tái cơ cấu ngành thủy sản. Cụ thể, trong nuôi trồng thủy sản lựa chọn đối tượng nuôi chủ lực và tập trung sản xuất thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi, nhuyễn thể; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi; thực hiện các giải pháp đột phá theo hướng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào cho nuôi trồng, đặc biệt là chất lượng thức ăn, con giống và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, đồng thời áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp với các cam kết quốc tế.

Trong khai thác hải sản, sẽ điều tra nguồn lợi để đánh giá nguồn lợi và thu thập thông tin dự báo ngư trường; sản xuất theo chuỗi bằng việc xây dựng mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; cơ cấu khai thác ven bờ theo hướng giảm tỷ trọng sản lượng khai thác ven bờ từ 52% (tương đương 2,1 triệu tấn) hiện nay xuống còn khoảng 36,4% (tương đượng 0,8 triệu tấn) vào năm 2020, đồng thời tăng sản lượng khai thác xa bờ từ 48% (tương đương 1 triệu tấn) lên khoảng 63,6% (tương đương 1,4 triệu tấn) vào năm 2020; tăng nguồn vốn tín dụng dài hạn (cho vay hiện đại hóa tàu cá), trung hạn (hỗ trợ ngư dân trang bị thiết bị thông tin liên lạc để hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất trên biển) và ngắn hạn (chính sách bảo hiểm đối với ngư dân).

 

(Theo dangcongsan.vn)

Tin đã đưa

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website