Chính sách mới
Sai phạm trong đào tạo liên thông, liên kết có thể bị đình chỉ hoạt động (15/03/2013)
Sai phạm trong hoạt động đào tạo liên thông, liên kết có thể bị phạt tới 60 triệu đồng. Đồng thời đối tượng vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề tới 1 năm, thậm chí có thể bị đình chỉ hoạt động giáo dục nếu tái phạm.

Theo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân, nếu cơ sở giáo dục có hành vi vi phạm về điều kiện tổ chức đào tạo liên thông có thể bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

Hành vi vi phạm về hồ sơ, trình tự và thủ tục đăng ký đào tạo liên thông có thể bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng; vi phạm các quy định về tổ chức đào tạo liên thông có thể bị phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phạt từ 40 – 60 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học trong việc tổ chức và đào tạo liên thông. Còn nếu vi phạm về thẩm quyền quyết định đào tạo liên thông có thể bị phạt từ 50 – 60 triệu đồng.

Liên kết đào tạo không đúng thời gian quy định có thể bị phạt tới 60 triệu đồng

Tương tự, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục thực hiện hoạt động liên kết đào tạo trong nước không đầy đủ hồ sơ; không đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định; tổ chức đào tạo khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời, nếu các bên ký hợp đồng liên kết đào tạo không rõ ràng, đầy đủ thông tin theo quy định có thể bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng; ký kết thỏa thuận liên kết đào tạo với đối tác không đúng quy định có thể bị phạt từ 30 - 50 triệu đồng.

Đặc biệt, hành vi đặt lớp liên kết đào tạo không đúng địa điểm theo quy định; vi phạm quy định về trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo; vi phạm quy định về thời gian đào tạo có thể bị phạt tới 60 triệu đồng.

Ngoài ra, các tổ chức giáo dục sai phạm trong đào tạo liên thông, liên kết còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề tới 1 năm, thậm chí có thể bị đình chỉnh hoạt động giáo dục nếu tái phạm.

Siết chặt để bảo đảm chất lượng đào tạo

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học để siết chặt hoạt động này nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng của người học. Theo đó, đào tạo liên thông chính quy phải tập trung toàn bộ thời gian tại cơ sở giáo dục đại học được phép đào tạo liên thông để thực hiện chương trình đào tạo. Sinh viên hệ liên thông chính quy học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy. Người học liên thông theo hình thức chính quy được cấp bằng tốt nghiệp chính quy...

Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Kết quả khảo sát việc thực hiện chương trình đào tạo liên thông trong các cơ sở giáo dục đại học thời gian qua cho thấy chất lượng đào tạo liên thông ở mức cảnh báo. Bởi cùng được cấp bằng chính quy, nhưng người thi, học đại học chính quy chất lượng hơn hẳn với người học liên thông theo cách thi riêng, học riêng, tốt nghiệp riêng. Do vậy, việc quy định chặt hơn về đào tạo liên thông có thể sẽ làm giảm số lượng người học liên thông trong thời gian tới, nhưng đó là việc quan trọng cần được thực hiện để đạt được chất lượng đào tạo cao hơn.

Tuy nhiên theo quy định mới, người học liên thông chính quy sẽ được học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy, cấp bằng đại học chính quy, do vậy quyền lợi của người học liên thông được bảo đảm hơn. Với các quy định mới, các trường cũng sẽ phải thay đổi nhận thức về đào tạo liên thông, thay đổi cách thức tổ chức đào tạo, thực hiện công nhận bảo lưu kết quả học tập theo đúng bản chất của đào tạo liên thông đã được quy định rõ trong Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học.

 

(Theo chinhphu.vn)
GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website