Bạn đọc quan tâm
Kiến nghị đầu tư xây dựng Kè chống xói lở dọc bờ sông Nhau (14/04/2014)

Trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VI của đại biểu HĐND tỉnh, cử tri huyện Sông Hinh kiến nghị về có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở dọc bờ sông Nhau tại xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh.

Vấn đề này, UBND huyện Sông Hinh trả lời ý kiến của cử tri như sau:

Tình trạng sạt lở dọc bờ Sông Nhau đã diễn ra từ nhiều năm nay, thực tế UBND huyện Sông Hinh đã nhiều lần kiểm tra và kiến nghị các sở, ngành của tỉnh xem xét nhưng vì chưa có kinh phí nên chưa triển khai chống sạt lở, do vậy việc cử tri địa phương phản ảnh là hoàn toàn đúng.

Qua kiểm tra, dọc tuyến sông Nhau, đặc biệt là đoạn từ sau cầu sông Nhau thuộc Quốc lộ 29 đến giáp Sông Ba (với tổng chiều dài gần 7,2 km), sạt lở tại nhiều vị trí, không chỉ ở địa phận xã Sơn Giang huyện Sông Hinh và còn ở địa phận xã Sơn Thành Tây của huyện Tây Hòa, lòng sông bị xói lở và mở rộng ra gần gấp đôi so với trước đây. Mức độ xâm thực trang bình từ 8-10m, cá biệt nhiều nơi mức độ xâm thực đến trên 30m. Đặc biệt từ năm 2009 đến nay, mức độ sạt lở ngày một tăng. Do sạt lở, có khoảng 50 hộ dân tại 07 thôn của xã Sơn Giang từ thôn Vạn Giang đến thôn Hà Giang bị mất đất sản xuất với tổng cộng gần 14,86ha. Tình trạng mất đất sản xuất của bà con ngày càng nhiều do đất liên tục sạt lở khi có mưa lớn.

Qua kiểm tra, đánh giá, UBND huyện Sông Hinh nhận thấy có 02 nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông như sau:

Thứ nhất: Sông Con là một dòng sông nhỏ nằm giáp ranh giữa 02 xã Sơn Giang huyện Sông Hinh và xã Sơn Thành Tây huyện Tây Hòa, có lưu vực khoảng 10km2 và nằm chủ yếu trên địa phận xã Sơn Thành Tây huyện Tây Hòa. Trước đây khi chưa có nhà máy thủy điện Sông Hinh thì sông vẫn chảy bình thường và ít gây sạt lở, tuy nhiên từ ngày có nhà máy thủy điện Sông Hinh thì Sông có thêm nhiệm vụ dẫn nước xả từ sau Nhà máy. Việc tăng lưu lượng dòng chảy trong dòng sông so với tự nhiên sẽ làm cho lòng sông bị xói lở, mở rộng là điều tất nhiên và thực tế đã xảy ra, nhất là trong mùa mưa, lũ.

Thứ hai: Tình trạng mất rừng đầu nguồn dẫn đến nước lũ thường về rất nhanh, cường độ lớn cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở lớn như hiện nay.

Đề xuất hướng khắc phục: Về phía UBND huyện, do không có kinh phí, dân địa phương còn nghèo nên huyện cũng không thể đứng ra huy động vốn để thực hiện. Do vậy UBND huyện Sông Hinh kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng dự án kè chống xói lở dọc bờ sông Nhau, trong đó UBND huyện Sông Hinh đề xuất 02 giải pháp như sau:

Giải pháp thứ 1: Tính toán để giải phóng mặt bằng lòng sông, hành lang dọc hai bên bờ sông, nạo vét phát dọn lòng sông (tại các cồn đất giữa lòng sông thường có cây cối mọc gây cản trở dòng chảy) đồng thời trồng cây để bảo vệ bờ sông. Đây là giải pháp phức tạp hơn nhưng nguồn kinh phí thực hiện giảm đáng kể so với giải pháp thứ hai. Nguồn kinh phí thực hiện phải huy động từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ của nhà máy thủy điện Sông Hinh và sự tham gia của người dân cũng như chính quyền địa phương trong khâu vận động, tuyên truyền người dân phải giữ gìn hành lang bảo vệ bờ sông. Bên cạnh đó có giải pháp hỗ trợ cho người dân bị mất đất sản xuất.

Giải pháp thứ 2: Xây kè chống sạt lở, đây là giải pháp tốn kém nhưng đảm bảo về lâu dài. Giải pháp này đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn, nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách và từ nguồn hỗ trợ của Nhà máy thủy điện Sông Hinh.
Giải pháp thứ nhất có nguồn kinh phí thực hiện thấp và có khả năng triển khai thực hiện sớm và đồng bộ còn giải pháp thứ 2 có tính chất ổn định và lâu dài, có thể thực hiện tại một số vị trí xung yếu.

 

(Theo qh-hdndphuyen.gov.vn)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website