Bạn đọc quan tâm
Một số điều cần biết để phòng chống cúm A(H7N9) ở người (17/04/2013)
Trước nguy cơ dịch cúm A(H7N9) có thể xâm nhập vào Việt Nam, để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngành Y tế đã chia sẻ một số điều cần biết về bệnh cúm A(H7N9) ở người nhằm giúp người dân biết cách phòng chống bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế, từ cuối tháng 3/2013, dịch cúm A(H7N9) đã xuất hiện tại Trung Quốc. Bệnh có diễn biến hết sức phức tạp, số trường hợp mắc ngày càng gia tăng, người mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi nặng, nhanh chóng dẫn tới suy hô hấp. Đây là 1 bệnh nặng có tỷ lệ tử vong cao, đến nay chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu.

Trước nguy cơ dịch cúm A(H7N9) có thể xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế trong cả nước tích cực triển khai các biện pháp giám sát và sẵn sàng ứng phó với dịch, nhằm ngăn ngừa sự lây lan và giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đến sức khoẻ của nhân dân.

Vi rút cúm A(H7N9) là gì?

Vi rút cúm A(H7) là nhóm vi rút cúm thường lưu hành ở các loài chim. Vi rút cúm A(H7N9) là một phân nhóm trong nhóm vi rút cúm A(H7). Mặc dù một vài phân nhóm của vi rút H7 (H7N2, H7N3 và H7N7) thỉnh thoảng được tìm thấy gây nhiễm trên người, tuy nhiên chưa có trường hợp nào được ghi nhận nhiễm vi rút cúm A(H7N9) ở người cho tới khi các trường hợp đầu tiên phát hiện tại Trung Quốc được công bố vào ngày 31/3/2013.

Triệu chứng chính của nhiễm vi rút cúm A(H7N9) trên người?

Bệnh nhân nhiễm vi rút cúm A (H7N9) có các biểu hiện triệu chứng của viêm phổi nặng, với các triệu chứng bao gồm: sốt, ho, đau ngực và khó thở. Tuy nhiên, những triệu chứng do vi rút cúm A(H7N9) gây bệnh trên người vẫn còn chưa được biết một cách đầy đủ.

Tại sao vi rút cúm A(H7N9) lại lây sang người?

Cho đến nay, chúng ta chưa có câu trả lời cho câu hỏi này, bởi vì chúng ta không biết rõ nguồn phơi nhiễm đối với những trường hợp nhiễm bệnh trên người đầu tiên được phát hiện. Tuy nhiên, khi phân tích gen của vi rút đã gợi ý rằng, mặc dù chúng có liên quan đến các loài chim nhưng chúng cũng cho thấy dấu hiệu thích nghi phát triển ở các loài động vật có vú. Sự thích nghi này bao gồm khả năng gắn vào tế bào của động vật có vú và phát triển ở nhiệt độ gần với nhiệt độ bình thường của các loài động vật có vú (thấp hơn so với nhiệt độ bình thường của chim).

Những điều được biết đến về nhiễm vi rút cúm H7 ở người trước đây trên thế giới?

Từ năm 1996 đến 2012, những trường hợp nhiễm trên người với vi rút cúm H7 (H7N2, H7N3 và H7N7) được báo cáo xảy ra tại Hà Lan, Ý, Canada, Mỹ, Mexico và Vương quốc Anh. Phần lớn các trường hợp nhiễm này xảy ra liên quan với sự bùng phát dịch bệnh trên gia cầm. Các trường hợp này có biểu hiện chính là viêm kết mạc và các triệu chứng về hô hấp ở mức độ nhẹ và trung bình, ngoại trừ có một trường hợp tử vong xảy ra tại Hà Lan.

Vi rút cúm A(H7N9) khác với vi rút cúm A(H1N1) và (H5N1) như thế nào?

Tất cả 3 vi rút này đều là vi rút cúm A nhưng giữa chúng có những sự khác biệt. H7N9 và H5N1 được biết đến có liên quan đến vi rút cúm ở động vật và thỉnh thoảng gây nhiễm cho người. H1N1 vừa có thể gây nhiễm cho người và gây nhiễm cho động vật.

Con người bị lây nhiễm vi rút cúm A(H7N9) như thế nào?

Vài trường hợp được khẳng định có tiếp xúc với động vật, tuy nhiên chưa biết những trường hợp này bị lây nhiễm như thế nào. Khả năng lây truyền từ động vật sang người và khả năng lây truyền từ người sang người đang được tiến hành điều tra nghiên cứu.

Thường xuyên rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng, chống cúm A(H7N9) - Ảnh minh họa

Có thể ngăn chặn lây nhiễm cúm A(H7N9) ở người như thế nào?

Mặc dù cả nguồn lây nhiễm và cách lây nhiễm cúm A(H7N9) ở người là chưa chắc chắn, nhưng cần lưu tâm triển khai các bước vệ sinh cơ bản để ngăn chặn sự lây nhiễm. Bao gồm vệ sinh bàn tay, vệ sinh hô hấp và biện pháp xử lý thực phẩm an toàn.

Vệ sinh bàn tay: rửa tay trước, trong và sau khi chuẩn bị đồ ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với động vật và chất thải của chúng, khi bàn tay bị dính bẩn, khi chăm sóc những người ốm trong gia đình. Vệ sinh bàn tay cũng sẽ ngăn chặn lây truyền các bệnh truyền nhiễm cho chính bản thân (từ việc tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn), cho các bệnh nhân trong bệnh viện, nhân viên y tế và những người khác.

Rửa tay với xà phòng dưới vòi nước đối với nhiễm bẩn nhìn thấy, đối với bàn tay bị nhiễm bẩn không nhìn thấy có thể sử dụng xà phòng và nước hoặc sử dụng các dung dịch cồn sát khuẩn tay nhanh.

Vệ sinh đường hô hấp: che miệng và mũi với khẩu trang y tế, khăn, ống tay áo hoặc nếp gấp khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi. Bỏ những khăn đã sử dụng vào thùng đậy kín, vệ sinh bàn tay sau khi tiếp xúc với chất tiết đường hô hấp.

Liệu có an toàn khi sử dụng thịt của gia cầm hoặc lợn...?

Mặc dù chưa biết rõ cách thức lây truyền bệnh cúm A(H7N9), nhưng nên tiến hành các bước cơ bản trong chuẩn bị thực phẩm hợp vệ sinh theo các bước sau: không ăn thịt các động vật bị bệnh. Đảm bảo là khi sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín. Luôn luôn phải để riêng biệt thực phẩm sống với thực phẩm đã được nấu chín và những thực phẩm được chế biến sẵn. Không sử dụng chung dao, thớt... trong việc chế biến thực phẩm chín và thực phẩm sống. Cần phải rửa tay giữa những lần chạm vào thực phẩm sống và thực phẩm chín. Rửa và tẩy uế tất cả bề mặt và dụng cụ có dính thực phẩm sống...

Đã có vắc xin phòng bệnh cúm A(H7N9) trên người chưa?

Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh cúm A(H7N9) trên người. Tuy nhiên, vi rút đã được phân lập từ những ca bệnh đầu tiên được phát hiện. Những bước đầu tiên trong qui trình sản xuất vắc xin sẽ được tiến hành một cách sớm nhất có thể.

Thuốc để điều trị bệnh cúm A(H7N9) trên người?

Vi rút cúm A(H7N9) hiện nay nhạy cảm với các thuốc ức chế men neuraminidase (neuraminidase inhibitors) của vi rút như Oseltamivir và zanamivir. Những thuốc này được biết đến có tác dụng chống lại vi rút cúm mùa và vi rút cúm A(H5N1) trên người. Tuy nhiên, vào thời điểm này chưa có trải nghiệm với việc sử dụng những thuốc này để điều trị bệnh cúm A(H7N9) trên người.

Ai có nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm A(H7N9)?

Hiện nay, chúng ta chưa biết đầy đủ về những trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc. Do vậy cũng chưa biết được liệu có nguy cơ nào làm tăng sự lây nhiễm vi rút cúm A(H7N9) sang người.

Nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm A(H7N9)?

Nhân viên y tế thường tiếp xúc với các bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo việc dự phòng lây truyền các bệnh truyền nhiễm một cách phù hợp và triển khai kiểm soát áp dụng phù hợp tại các cơ sở y tế. Tình trạng sức khỏe của nhân viên y tế cần phải được theo dõi sát sao. Cùng với sự phòng ngừa chuẩn, nhân viên y tế chăm sóc cho các bệnh nhân nghi ngờ hoặc khẳng định nhiễm cúm A(H7N9) nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa bổ sung để đảm bảo an toàn.

Vi rút cúm A(H7N9) có nguy cơ đe dọa gây đại dịch ở người?

Bất cứ vi rút cúm từ động vật mà phát triển có thể lây nhiễm cho người thì về lý thuyết đều có nguy cơ gây ra đại dịch. Tuy nhiên, liệu vi rút cúm A(H7N9) có thực sự gây ra đại dịch hay không thì điều này đến nay vẫn chưa thể biết được. Các vi rút cúm khác xuất hiện ở động vật mà được biết đôi khi lây nhiễm cho người cho đến nay chưa gây ra đại dịch trên người.

Để thực hiện phòng chống cúm A(H7N9), mỗi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở sạch sẽ thông thoáng. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn; trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với gia cầm.

2- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thưc hiện ăn chín, uống chín. Tuyệt đối không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3- Hạn chế tiếp xúc với gia cầm. Khi phát hiện có gia cầm ốm chết phải báo cáo kịp thời cho chính quyền và cơ quan thú y tại địa phương; tiêu huỷ gia cầm theo đúng quy định.

4- Những người trở về từ khu vực có bệnh, phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi, tư vấn và xử lý kịp thời khi có bệnh.

5- Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám và điều trị kịp thời.

 

(Theo dangcongsan.vn)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website