Bạn đọc quan tâm
Văn phòng Quốc hội trả lời kiến nghị của cử tri Phú Yên (31/10/2013)
Trong đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII của Đoàn ĐBQH tỉnh, nhiều cử tri kiến nghị: Quốc hội nên tăng cường hoạt động giám sát ở các địa phương về việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để kịp thời phát hiện sai sót, giúp địa phương khắc phục.

Trên cơ sở kiến nghị này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có văn bản đề nghị Văn phòng Quốc hội xem xét giải quyết. Mới đây, Văn phòng Quốc hội đã có Công văn số 1727 trả lời, nội dung cụ thể như sau:

Trong những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đã tăng cường hoạt động giám sát, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hoạt động của các cơ quan tư pháp... Qua hoạt động giám sát, đã kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập; đề xuất các kiến nghị để điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật, chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Hoạt động giám sát lâu nay được tiến hành theo hướng tập trung giám sát tại các cơ quan Trung ương, nơi ban hành các chính sách, pháp luật; kết hợp hài hòa với giám sát và khảo sát tại địa phương, cơ sở, nơi thụ hưởng các chính sách, pháp luật. Hàng năm, số lượt các đoàn giám sát của các cơ quan của Quốc hội tại địa phương đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều hòa khoảng từ 200 đến 250 lượt đoàn. Việc giám sát tại địa phương, cơ sở có tính chất thu thập thông tin từ thực tế, phục vụ việc đánh giá chính sách và thực thi pháp luật mà không đi sâu đánh giá đúng sai, phát hiện tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của địa phương; mặt khác, nếu tiến hành giám sát quá nhiều tại địa phương cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của địa phương. Bên cạnh đó, do nguồn lực của các cơ quan của Quốc hội có hạn trong khi lĩnh vực, phạm vi, đối tượng giám sát lại rất rộng nên chưa thể tiến hành giám sát đồng thời được tất cả các địa phương.

Vì vậy, đề nghị Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bám sát chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ động phối hợp với HĐND để giám sát việc triển khai luật, nghị quyết, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những vấn đề nổi lên tại địa phương, báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có như vậy, hoạt động giám sát của Quốc hội mới đảm bảo đồng bộ, phát huy được chất lượng, hiệu quả.

 

(Theo PYO)

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website