Thông tin cho báo chí
Báo cáo giải trình, trả lời một số nội dung tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VI (18/08/2014)

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VI (diễn ra từ ngày 23/7 - 25/7/2014), thay mặt UBND Tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tỉnh Lê Văn Trúc đã trình bày đánh giá thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014, đồng thời báo cáo giải trình, trả lời một số nội dung mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Yên trân trọng đăng tải nội dung bài phát biểu của Phó Chủ tịch thường trực UBND Tỉnh Lê Văn Trúc.

Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Phú Yên khóa VI

 

-  Kính thưa đồng chí Huỳnh Tấn Việt – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí chủ tọa kỳ họp!

- Thưa các vị Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND Tỉnh- Khoá VI.

- Thưa quý vị đại biểu đại diện cử tri dự họp, thưa đồng bào, đồng chí trong tỉnh đang theo dõi kỳ họp!

Hôm nay, kỳ họp thứ 10- HĐND Tỉnh khoá VI đã sang ngày làm việc thứ 3, ngày cuối cùng, theo chương trình các đại biểu chúng ta đã nghe các Báo cáo, Tờ trình và Đề án của UBND Tỉnh; nghe các ngành được UBND Tỉnh phân công giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND Tỉnh và kiến nghị của cử tri. Được sự phân công của đ/c Chủ tịch UBND Tỉnh, Tôi thay mặt UBND Tỉnh phát biểu trước kỳ họp. Trước hết, Tôi xin cảm ơn các vị đại biểu HĐND, cử tri trong Tỉnh đã quan tâm theo dõi, tham gia giám sát,  góp ý, kiến nghị và đề xuất những giải pháp điều hành giúp UBND Tỉnh. UBND Tỉnh chúng tôi xin tiếp thu  đầy đủ để nghiên cứu, giải quyết, bổ sung vào sự chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian đến. Sau đây, Tôi xin phát biểu một số vấn đề mà đại biểu HĐND Tỉnh và cử tri quan tâm.

I. Về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2014

1. Đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm

Qua báo cáo thẩm tra của 03 Ban HĐND Tỉnh và tổng hợp phát biểu của các đại biểu dự họp, có một số ít đại biểu cho rằng nền kinh tế của tỉnh 6 tháng qua chỉ ổn định, chứ yếu tố phát triển không rõ mấy, vì nhiều chỉ tiêu đạt thấp; Nhưng hầu hết đại biểu đều thống nhất cao với đánh giá chung 6 tháng đầu năm 2014, là tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh 6 tháng đầu năm cơ bản ổn định và có mặt phát triển. Bởi vì, trên cơ sở phân tích đặc điểm tình hình cụ thể, mặc dù tỉnh ta gặp nhiều khó khăn, thách thức đã tác động nhiều mặt đến sản xuất và đời sống, nhất là tình hình hạn hán nghiêm trọng, tình hình Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặt quyền kinh tế của nước ta; các dự án lớn trên địa bàn triển khai giải phóng mặt bằng cùng một lúc như: dự án Mở rộng quốc lộ 1, dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả, Nhà máy lọc dầu Vũng Rô phải tập trung nhiều công sức, một bộ phận nhân dân không ổn định về cư trú, cũng như về sản xuất… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự nổ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh nên kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng như báo cáo của UBND Tỉnh trình bày trước kỳ họp là rất đáng ghi nhận. Trong đó, có một số lĩnh vực có chuyển biến tốt như: sản lượng lúa vụ Đông Xuân đạt cao nhất từ trước đến nay. Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là chương trình bê tông hoá giao thông nông thôn. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 50% kế hoạch, là một sự cố gắng lớn. Đã tranh thủ được nhiều nguồn vốn của Trung ương cho đầu tư phát triển; tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 51,4% so kế hoạch. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được tập trung chỉ đạo quyết liệt và bước đầu có chuyển biến tốt, nhất là tập trung 03 dự án lớn: Mở rộng Quốc lộ 1, Hầm đường bộ qua đèo Cả và Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục-thể thao đều có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, đã tổ chức thành công chương trình Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên năm 2014 và Hội thảo cấp quốc gia về đồng chí cố Tổng Bí thư Trần Phú nhân kỷ niệm 110 ngày sinh của đồng chí được nhân dân trong Tỉnh, các tỉnh bạn và Bộ, ngành Trung ương đánh giá cao. Tình hình quốc phòng, an ninh được giữ vững, tai nạn giao thông được kiềm chế (giảm 02 mặt về số vụ và số người chết)…

Những mặt còn khuyết điểm, hạn chế, UBND Tỉnh đã nghiêm túc nhìn nhận và thể hiện rõ trong báo cáo. Qua thảo luận góp ý của các vị đại biểu, UBND Tỉnh xin tiếp thu và sẽ có kế hoạch cụ thể tập trung chỉ đạo khắc phục trong thời gian đến. Tuy nhiên, trong đó có một số vấn đề cần thực hiện kiên trì, lâu dài và một số việc hết sức phức tạp cần có sự hỗ trợ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân như: thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác phòng chống tội phạm; vấn đề an toàn giao thông... 

2. Về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2014

Tuy phần lớn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng qua đạt còn thấp, nhưng UBND tỉnh không đề xuất HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh và qua thảo luận đại biểu HĐND kỳ họp này cũng không có ý kiến xem lại các chỉ tiêu mà đều thể hiện quyết tâm cao, bàn giải pháp để tổ chức thực hiện. Do vậy sau kỳ họp này, căn cứ Nghị quyết của HĐND Tỉnh, UBND Tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương để triển khai thực hiện quyết liệt hơn, với sự tập trung nổ lực cao nhất nhằm phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2014 mà Nghị quyết HĐND Tỉnh đã đề ra.     

II. Về những vấn đề cụ thể được đại biểu và cử tri quan tâm

Tất cả các ý kiến, kiến nghị của cử tri, được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp qua tiếp xúc trước kỳ họp, UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành và UBND cấp huyện xem xét, trả lời cụ thể theo chức trách bằng văn bản. Ở đây tôi xin phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm tập trung trong kỳ họp và đặc biệt qua thảo luận Tổ.   

1. Về công tác phòng, chống hạn

Qua theo dõi và kiểm tra thực tế cho thấy tình hình hạn hán đang diễn ra trên địa bàn tỉnh là rất nghiêm trọng. Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn Tỉnh hầu như không có mưa, tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 3 lần, dẫn đến lưu lượng dòng chảy trên các sông, suối đạt thấp, nhất là ở khu vực miền núi và nguồn nước dự trữ ở một số hồ đập xuống thấp so với mức thiết kế... đã ảnh hưởng và thiệt hại đến sản xuất và đời sống như đã nêu trong báo cáo. 

Trước tình hình đó, UBND Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương chủ động trích nguồn ngân sách dự phòng chi của địa phương triển khai thực hiện ngay các biện pháp cấp bách để chống hạn như: hỗ trợ kinh phí vận chuyển nước uống, đào giếng, hỗ trợ dầu để tăng cường bơm tưới cứu lúa.. Đồng thời, ngay từ đầu vụ Hè Thu, UBND Tỉnh đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí để chống hạn và ngày 23/7/2014 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã về thăm và làm việc với tỉnh Phú Yên, UBND Tỉnh tiếp tục đề nghị Trung ương hỗ trợ cho Tỉnh 169 tỷ đồng, trong đó có 45 tỷ đồng để chống hạn, giải quyết nước sinh hoạt cho dân cư và 124 tỷ đồng để sửa chữa, nạo vét, nâng cấp 21 công trình hồ đập, để tích nước trong mùa khô và đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa. Đồng chí Phó Thủ tướng đã kết luận Chính phủ đã thống nhất giải quyết cấp cho Tỉnh 10,9 tỷ đồng hỗ trợ cho việc chống hạn, còn việc sửa chữa hồ, đập thủy lợi các Bộ và Chính phủ sẽ xem xét giải quyết  sau. Do vậy, sắp đến UBND tỉnh sẽ phân bổ khoản kinh phí trên cho các huyện bị thiệt hại do hạn hán. Trước mắt, Tôi đề nghị chúng ta không ngồi chờ sự hỗ trợ tiếp của Trung ương mà phải bằng nhiều biện pháp huy động toàn lực để tập trung chống hạn. Lưu ý, ưu tiên việc giải quyết nước uống và nước sinh hoạt cho nhân dân.

2. Về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về chất lượng vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp

Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh có 08 doanh nghiệp sản xuất phân bón đang hoạt động (trong đó: có 03 doanh nghiệp sản xuất phân NPK và 05 doanh nghiệp sản xuất phân vi sinh) và 682 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong 6 tháng đầu năm 2014, các lực lượng chức năng Tỉnh đã tiến hành kiểm tra 133 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lấy 10 mẫu phân bón và 04 mẫu thuốc bảo vệ thực vật để kiểm định chất lượng, kết quả phát hiện có 01 mẫu phân bón và 01 mẫu thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, đã xử phạt vi phạm hành chính 250 triệu đồng.

Trong thời gian tới, UBND Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND cấp huyện và các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa để phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp giả, không đảm bảo chất lượng làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.   

3. Vì sao nghề khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh Phú Yên 2 năm gần đây giảm mạnh, trách nhiệm của UBND tỉnh và cơ quan quản lý chuyên ngành có giải pháp gì để giúp ngư dân?

Hiện nay, Phú Yên có trên 1.000 tàu có công suất từ 90CV trở lên hành nghề khai thác hải sản xa bờ, năm 2012 sản lượng khai thác đạt 49.600 tấn các loại, tăng 9,5% so cùng kỳ, trong đó cá ngừ đại dương đạt 6.050 tấn; năm 2013 sản lượng khai thác đạt 49.550 tấn, giảm 2,6% so cùng kỳ, trong đó khai thác cá ngừ đại dương 4.529 tấn, giảm 25,8%; 6 tháng đầu năm 2014 sản lượng khai thác đạt 31.850 tấn, giảm 2% so cùng kỳ, trong đó khai thác cá ngừ đại dương là 3.195 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ, thực tế này UBND Tỉnh đã nhìn thấy, qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá có 4 nguyên nhân cơ bản sau:

- Tàu thuyền của chúng ta công suất nhỏ, trang thiết bị chưa hiện đại, công nghệ khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm lạc hậu (làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, chưa có sự gắn kết chặt chẽ trong một hệ thống, chuỗi sản xuất nhất định).

- Sản xuất cá ngừ ở Phú Yên đơn nghề, tức là chỉ làm nghề câu cá ngừ đại dương  theo dạng truyền thống (câu vàng), sau đó có một số hộ chuyển qua câu tay kết hợp đèn cao áp nhưng không thành công, tính chi phí đi - về ngư dân lỗ tổn. Trong khi đó, đối với Bình Định, Khánh Hòa nghề khai thác cá ngừ là kiêm nghề, tức là người ta kết hợp với chụp mực, lưới vây, rút chì, khi khai thác chụp mực nên bền vững hơn, không có cá ngừ đại dương vây vàng, mắt to người ta chuyển qua đánh bắt cá ngừ vằn.

- Thị trường giá cả bất bênh, không ổn định, chưa gắn chặt quyền lợi giữa người sản xuất và các doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu, cho nên nếu có hộ nào đó  thực hiện đúng quy trình, sản phẩm có tốt hơn thì vào bán giá cả cũng chênh nhau không lớn, trong đó công sức và chi phí bỏ ra để bảo quản loại cá này tốn nhiều, do vậy tất cả đều bán xô, mua xô.  

- Thiếu vốn để sản xuất, đóng mới, cải hoán tàu thuyền và mua trang thiết bị hiện đại.

* Về giải pháp để khắc phục những nhược điểm, hạn chế nêu trên, UBND Tỉnh đã chủ trì, tập trung phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên năm 2014, với nhiều Hội thảo, hội nghị bàn về vấn đề này. Qua đó, đã tìm ra các giải pháp và Tỉnh đã tổng kết lại để chỉ đạo thực hiện cụ thể như sau:

-  Cần phải có sự chuyển biến nhận thức của ngư dân thay đổi kiểu sản xuất truyền thống cũ kỹ, lạc hậu; phải tổ chức lại sản xuất, tàu công suất lớn – trang thiết bị hiện đại - công nghệ khai thác, xử lý bảo quản sản phẩm theo đúng quy trình và gắn với yêu cầu thị trường. Quan trọng bậc nhất là sản xuất theo chuỗi giá trị, từ khâu đầu đến khâu cuối gắn với thị trường.   

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Đề án sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị - triển khai cho các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, có hiệu lực từ ngày 25/8/2014; trong đó nhiều ưu đãi ngoài chính sách về đầu tư hạ tầng thủy sản, chính sách bảo hiểm, chính sách về thuế; chính sách tín dụng ưu đãi mức vay tùy loại tàu vỏ thép hay gỗ và vật liệu khác mà có thể vay từ 70%-90% tổng giá trị - lãi suất người vay chỉ trả từ 1%-3% là cao nhất, còn lại Nhà nước hỗ trợ lãi vay từ 4%-6% (lãi vay hiện nay là 7%). Thời hạn vay 11 năm, năm đầu không trả lãi, tài sản thế chấp là tài sản hình thành từ vốn vay. Ngày 11/7/2014, UBND Tỉnh đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị định này (thành phần gồm: lãnh đạo các Sở, ban ngành, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố ven biển và đại diện doanh nghiệp khai thác, chế biến thủy sản và đại diện ngư dân các huyện trong Tỉnh) và đã có chỉ đạo cụ thể các ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh kế hoạch để ban hành tổ chức thực hiện, khi Nghị định có hiệu lực (chờ Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn chỉnh kế hoạch).

4. Về việc nạo vét, khơi thông luồng lạch cửa sông, cửa biển

Đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm liên quan đến đời sống và sản xuất của một bộ phận dân cư nên chủ trương chung của UBND Tỉnh, khi địa phương nào có nhu cầu bức xúc thật sự cần phải nạo vét, khơi thông luồng lạch cửa sông, cửa biển để tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi lại, cũng như tăng cường trao đổi nước để nuôi trồng thủy sản, thì UBND huyện tổ chức lập hồ sơ xin chủ trương UBND Tỉnh, thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND Tỉnh quyết định; khi chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND Tỉnh giao cho UBND cấp Huyện làm Chủ đầu tư.

Công tác chuẩn bị hồ sơ dự án và triển khai đầu tư được thực hiện theo các bước hết sức chặt chẽ như: việc lập hồ sơ dự án thiết kế phải lấy ý kiến ngư dân và nhân dân vùng có ảnh hưởng để xác định quy mô (chiều rộng - chiều sâu- chiều dài), vị trí cần phải nạo vét, khơi thông; Phương án nạo vét phải đảm bảo mục tiêu thông luồng cho tàu thuyền đi lại, tạo nơi tránh trú bão an toàn cho tàu thuyền hoặc tăng cường trao đổi nước giữa biển và đầm. Tiếp đó lập báo cáo đánh giá tác động môi trường phê duyệt theo quy định. Khi tổ chức thi công phải có thông báo cho chính quyền địa phương, phải có cọc tiêu, biển báo giới hạn…theo quy định. Ngoài các phòng chức năng chuyên môn của huyện kiểm tra, giám sát thì mỗi Xã phải thành lập một Ban giám sát cộng đồng gồm: cán bộ thôn, Ban lạch, Hội nghề nghiệp và những người am tường công việc này, được bố trí kinh phí và phương tiện ghe thuyền để thường xuyên giám sát, theo dõi chặt chẽ việc nạo vét, khơi thông luồng lạch của nhà thầu, đảm bảo kịp thời phát hiện những sai lệch, vi phạm trong quá trình nạo vét để ngăn chặn xử lý, chấn chỉnh kịp thời.

Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh có 05 khu vực đang có nhu cầu nạo vét cát, đất bồi lấp để khơi thông luồng lạch, cụ thể: Cửa Đà Diễn, sông Đà Rằng (TP. Tuy Hòa); Cửa biển sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa); Khu vực Cảng cá Tiên Châu, lạch Vạn Củi (Tuy An); Cửa biển Lễ Thịnh (huyện Tuy An); Cửa biển An Hải - đầm Ô Loan (huyện Tuy An). Việc nạo vét chỉnh trị cửa sông, cửa biển để chống bồi lấp và sạt lở là vấn đề rất phức tạp, cần phải có nghiên cứu kỹ về tác động môi trường, về mối quan hệ lợi ích trong nội bộ nhân dân liên quan đến dự án, quy mô, kinh phí thực hiện lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư của tỉnh hạn chế. Trước mắt, để giải quyết vấn đề bức xúc của các địa phương, Tỉnh đã cho phép UBND thành phố Tuy Hòa và các huyện Đông Hòa, Tuy An thực hiện các dự án này, theo hướng lấy thu bù chi từ việc tận thu nguồn cát nhiễm mặn để xuất bán.

Với trách nhiệm là chủ đầu tư, UBND huyện, thành phố có dự án phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc xây dựng hồ sơ ban đầu, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động thi công và giải quyết những vấn đề phát sinh khiếu kiện của dân. Các ngành chức năng của tỉnh, theo chức trách của mình cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, thẩm định, giám sát việc thực hiện dự án này như: Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi việc thực hiện dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện Đề án đánh giá tác động môi trường dự án, Sở Xây dựng kiểm tra việc tổ chức công trường thi công và kiểm soát xuất khẩu cát nhiễm mặn, giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt vấn đề này.     

5. Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo Nghị Quyết số 42/2012/NQ-HĐND ngày 12/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh, phấn đấu thực hiện cơ bản xong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2013.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường mục tiêu hoàn thành cơ bản nhiệm vụ cấp Giấy chứng nhận đạt trên 95% trở lên đối với các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy; đạt 85% diện tích sử dụng trở lên đối với các loại đất chính.

Tính đến ngày 31/12/2013, toàn Tỉnh cấp đạt 89,62% diện tích sử dụng cần cấp. Trong 6 tháng đầu năm 2014, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tiếp tục tập trung chỉ đạo, nâng lũy kế cấp giấy chứng nhận đến ngày 30/6/2014, toàn tỉnh cấp được 490.447 giấy, đạt 92,56% diện tích cần cấp giấy (trong đó một số loại đất chính như sau: Đất sản xuất nông nghiệp đạt 83,37%; đất lâm nghiệp đạt 97,94%; đất ở nông thôn đạt 80,37%; đất ở đô thị: đạt 94,96%; đất chuyên dùng đạt 91,20%; đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đạt 63,22% so với diện tích cần cấp).

Với kết quả thực hiện đến nay, so với Nghị quyết của HĐND Tỉnh và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh cơ bản gần đạt với chỉ tiêu theo yêu cầu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số loại đất cấp giấy chứng nhận đạt chưa cao như đã nêu trên. Nguyên nhân do một số địa phương chưa thực sự vào cuộc phối hợp với các ngành chức năng để thực hiện; tổ chức Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; nguồn gốc đất phức tạp có tranh chấp, chuyển nhượng không hợp pháp, xây dựng trái phép… Trong thời gian đến, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu trên 95% trong năm 2014.

6. Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh

Đây là Dự án quan trọng cấp Quốc gia có chiều dài từ tỉnh Thanh Hóa –Tp. Cần Thơ. Thời gian: 2014-2016 hoàn thành.

Mục đích: Phục vụ phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2016-2020; giảm ùn tắc và tai nạn giao thông vì đường quá hẹp (chỉ có 02 làn đường xe ô tô, lưu lượng xe giao thông lớn). Về cơ chế thực hiện: do yêu cầu thời gian thực hiện dự án rất khẩn trương trong vòng 03 năm nên Chính phủ đã cho áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định thầu các nhà thầu trong nước tổ chức thi công (gồm cả dự án BOT và trái phiếu Chính phủ, các dự án khai thác mỏ vật liệu, các khu tái định cư cũng vậy). Trên cơ sở vận dụng các chính sách bồi thường, hỗ trợ ở mức cao nhất có thể theo quy định pháp luật, đồng thời động viên, thuyết phục nhân dân sớm giải tỏa nhà cửa, vật kiến trúc để giao mặt bằng cho dự án.

- Chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, ở Trung ương đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trực tiếp, ở địa phương thì đồng chí Bí thư, đồng chí Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo, cả nước đều thực hiện như vậy.

Trong đó, đoạn Quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên từ Km1243+00 đến Km1353+300, gồm 02 dự án như sau:

+ Dự án vốn BOT, đoạn qua Phú Yên dài 22km, với tổng mức đầu tư là 2.044 tỷ đồng; Nhà đầu tư: Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định; Ban Quản lý dự án: Ban Quản lý dự án 2, thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

+ Dự án vốn TPCP từ Km1265+00 - Km1353+300; chiều dài tuyến là 64,54km; tổng mức đầu tư: 4.350 tỷ đồng; Ban quản lý dự án: Ban Quản lý dự án Thăng Long.

Dự án (cả đoạn BOT và TPCP) đi qua 22 xã, thuộc 04 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh Phú Yên; Tỉnh có nhu cầu xây dựng 16 Khu tái định cư, tổng diện tích là 34,8 ha để phục vụ cho 1.029 hộ tái định cư, với tổng kinh phí dự kiến là 276,3 tỷ đồng.

Thời gian qua, tỉnh ta đã nổ lực chỉ đạo thực hiện nhưng do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên đến nay Phú Yên chúng ta là một trong 5 tỉnh chậm tiến độ bị Phó Thủ tướng Chính phủ phê bình và gia hạn 02 lần rồi (30/6 và 15/7/2014 phải hoàn thành) nhưng mới giao được 84,45km/86,54km, đạt 97,6% còn lại 2,09 km chưa giao được (chủ yếu trên địa bàn thị xã Sông Cầu, do chưa trả tiền bồi thường) và một số đoạn nhân dân chưa cho thi công (huyện Đông Hòa, Tuy An) vì dân chưa nhận được tiền bồi thường (duyệt phương án khoảng trên 52%-bố trí đất tái định cư 247 hộ/1.029 hộ).

Trong thời gian đến, UBND Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau:

a) Tập trung toàn lực giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc, đề nghị cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thật sự, các ngành chức năng như kiểm tra, thanh tra, công an, giám sát cũng phải vào cuộc ngay từ đầu để giúp đỡ các huyện, thị xã giải quyết khó khăn vướng mắc.

b) UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền, giải thích, động viên tư tưởng (cả làng, cả nước người ta chấp hành thực hiện, ở tỉnh ta có huyện chỉ  còn lại 5-7 hộ dân không chấp hành thì nói sao được). Tập trung phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ đối với số hộ còn lại, đồng thời chi trả tiền cho dân và bố trí tái định cư.

c) Rà soát lại toàn bộ hồ sơ còn khiếu nại về giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư so với các chính sách quy định hiện hành xem đã thực hiện đầy đủ và đúng quy định pháp luật chưa; giải quyết trả lời cho công dân bằng văn bản các đơn thư  khiếu nại, tố cáo theo quy định.

d) Sau khi đã thực hiện đầy đủ 03 giải pháp trên mà người bị giải tỏa không chấp hành, để đảm bảo yêu cầu chung tiến độ thi công dự án thì buộc chính quyền phải tổ chức cưỡng chế thi hành; khi tổ chức cưỡng chế phải có phương án các bước thực hiện chặt chẽ, đầy đủ, đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, lưu ý vấn đề an toàn tính mạng của người bị cưỡng chế và cả người thi hành công vụ, không để xảy ra điểm nóng (không phải cưỡng chế là xảy ra điểm nóng).

Phấn đấu đến 15/8/2014, hoàn thành toàn bộ việc bàn giao mặt bằng dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên.            

7. Về thu phí khu vực hầm đường bộ qua đèo Cả

Vấn đề này, UBND Tỉnh đã trả lời chất vấn đại biểu HĐND Tỉnh tại kỳ họp thứ 9, HĐND Tỉnh khóa VI và Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản trả lời ý kiến của cử tri tại Công văn số 5947/BGTVT-KHĐT ngày 23/5/2014 và tại kỳ họp này Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã trả lời rất cụ thể rồi nên Tôi không có ý kiến gì thêm, chỉ đề nghị Sở Giao thông vận tải sao các văn bản trả lời của Bộ Giao thông vận tải và UBND Tỉnh gửi cho các Tổ đại biểu có ý kiến cử tri phản ánh về vấn đề này.

8. Về dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô

Vấn đề này, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp đã nói khá đầy đủ rồi, Tôi xin phép không nói lại. Xin bổ sung thêm vấn đề khởi công Cảng Bãi Gốc, theo thống nhất 02 bên Nhà đầu tư và UBND tỉnh là khi khởi công ít nhất chủ đầu tư  phải san ủi mặt bằng khoảng 30ha và địa phương sẽ chuẩn bị kết hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh.

9. Một số vấn đề khác

9.1. Về thủy lợi, chương trình kiên cố hóa kênh mương:

Vấn đề này, UBND Tỉnh đã có văn bản trả lời ý kiến cử tri sau kỳ họp thứ 9 HĐND Tỉnh khóa VI rồi, đề nghị các vị đại biểu xem lại văn bản này (Báo cáo số 124/BC-UBND ngày 21/7/2014 của UBND Tỉnh). 

9.2. Về thiết kế mẫu trường mẫu giáo có 01 phòng học để thực hiện:

Về vấn đề này, qua phát biểu của Giám đốc Sở Xây dựng, UBND Tỉnh giao Sở Xây dựng sớm có thiết kế mẫu trường mẫu giáo có 01 phòng học, để các địa phương có nhu cầu làm cơ sở triển khai thực hiện.

9.3. Về dự án hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2014-2015, thuộc Chương trình 135:

Căn cứ Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Để kịp thời hỗ trợ sản xuất theo lịch thời vụ của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn và trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND Tỉnh. Ngày 22/7/2014, UBND Tỉnh ban hành Quyết định số 1140/QĐ-UBND quy định tạm thời về định mức hỗ trợ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2014-2015, thuộc Chương trình 135, trong đó quy định cụ thể mức hỗ trợ về nâng cao kiến thức sản xuất, mua giống cây trồng, vật nuôi, mua sắm thiết bị, chi phí quản lý… Đề nghị các ngành chức năng, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công triển khai thực hiện.  

9.4. Về chủ trương đầu tư dây chuyền sản xuất tinh bột sắn số 3 - công suất 200 tấn thành phẩm/ngày của Công ty CP tinh bột sắn FOCOCEV:

Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XV, trong đó có nội dung là “Không khuyến khích việc đầu tư tăng thêm công suất của 02 Nhà máy tinh bột sắn hiện có (Nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân và Nhà máy tinh bột sắn Sông Hinh); đồng thời thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm và không xây dựng mới Nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh”.

Tuy nhiên, thực tế diện tích trồng sắn trong vùng quy hoạch nguyên liệu cho Công ty CP Tinh bột sắn FOCOCEV hiện nay đã tăng gần gấp 03 lần so với quy hoạch. Riêng trong niên vụ 2012-2013, Nhà máy tinh bột sắn Sông Hinh đã chế biến 190.459 tấn nguyên liệu, sản xuất được 55.137 tấn sản phẩm. Với công suất hiện tại của nhà máy là 230 tấn sản phẩm/ngày là không thể tiêu thụ kịp thời nguyên liệu sắn trong thời gian chính vụ. Vì vậy, Công ty xin đầu tư dây chuyền sản xuất tinh bột sắn số 3 - công suất 200 tấn thành phẩm/ngày nâng tổng công suất của Nhà máy lên 430 tấn thành phẩm/ngày nhằm đáp ứng tốt hơn nữa việc tiêu thụ nguyên liệu sắn, đảm bảo thời vụ gieo trồng cho nông dân và đảm bảo thời gian bảo dưỡng máy móc thiết bị của nhà máy.

Trên cơ sở thẩm tra, đề xuất của các ngành chức năng Tỉnh; Ban Cán sự Đảng UBND Tỉnh đã tổ chức họp (02 lần) xem xét đề nghị của Công ty và giao các sở, ngành có liên quan báo cáo làm rõ một số nội dung về quy hoạch vùng nguyên liệu, công suất, thị trường tiêu thụ, ảnh hưởng môi trường,… gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình UBND Tỉnh.

Việc đầu tư nâng công suất Nhà máy sắn của Công ty CP Tinh bột sắn FOCOCEV là một vấn đề quan trọng có liên quan nhiều mặt, cần phải đánh giá, phân tích kỹ trước khi cho chủ trương thực hiện, nên việc xem xét thẩm định của các cơ quan chức năng cấp tỉnh có chậm. Vấn đề này, Ban Cán sự Đảng UBND Tỉnh sẽ phải báo cáo xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh, vì dự án này theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 của Đảng bộ Tỉnh nêu trên thì thuộc diện “không khuyến khích”. UBND tỉnh sẽ tập trung giải quyết, trả lời trước ngày 15/8/2014.

9.5. Về trả lời của một số sở, ngành chưa rõ ràng, dứt khoát chưa đầy đủ trách nhiệm:

UBND tỉnh tiếp thu để chỉ đạo khắc phục, trước mắt yêu cầu lãnh đạo 03 Sở gồm: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ trong ngày 26/7/2014 (thứ 7) mặc dù là ngày nghỉ nhưng cũng phải hoàn chỉnh văn bản để gửi Văn phòng UBND tỉnh xem lại trước khi gửi cho các đại biểu kịp tiếp xúc cử tri.

 

III. Về các đề án, tờ trình của UBND Tỉnh trình kỳ họp lần này

Qua thảo luận các đại biểu dự họp đã có nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi; các cơ quan được phân công soạn thảo đã giải trình bổ sung, làm rõ thêm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Trần Quang Nhất đã tiếp thu và đề xuất, Tôi thống nhất, đề nghị Chủ tọa kỳ họp và các đại biểu xem xét đồng thuận, thông qua Nghị quyết để UBND Tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện.

Kính thưa các vị đại biểu!

Trên đây, tôi đã làm rõ thêm một số vấn đề mà cử tri, đại biểu HĐND Tỉnh quan tâm liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của UBND tỉnh. Với trách nhiệm của mình, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành với tinh thần quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt kế hoạch năm 2014. Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu QH giám sát và tất cả các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh đồng thuận và nổ lực thi đua, tôi tin trưởng rằng chúng ta sẽ tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu KTXH, ANQP năm 2014 đã đề ra.

Kính chúc Chủ tọa kỳ họp, các vị đại biểu HĐND Tỉnh sức khỏe, hạnh phúc.

Chúc kỳ họp thứ 10, HĐND Tỉnh khóa VI thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

BBT

THÔNG TIN CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website