Huyện Tây Hòa - tỉnh Phú Yên
Phú Yên chuyển đổi 157 ha đất trồng lúa sang cây trồng khác

Chuyên mục: Tin nổi bật | Đăng ngày: 21/05/2023

Chiều ngày 19/5 , Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn ( NN&PTNT ) tỉnh Phú Yên phối hợp với UBND huyện Tây Hòa đã tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông xuân 2022-2023 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè thu 2023 với sự tham dự của ông Nguyễn Trọng Tùng- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT cùng lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng các phòng ban liên quan

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở NN-PTNT cho biết, trong vụ Đông Xuân 2022-2023, diện tích gieo sạ toàn tỉnh đảm bảo kế hoạch đã đề ra, thời tiết ở giữa và cuối vụ thuận lợi cho sự sinh trưởng cũng như phát triển cây lúa, năng suất ước đạt tăng 13% so cùng kỳ; nguồn nước tích trữ tại các hồ chứa, sông suối đảm bảo cung cấp nước cho các loại cây trồng.

Bên cạnh đó, diện tích gieo sạ cũng đạt 26.722,9 ha, vượt 0,8% so với kế hoạch; sản lượng khoảng 196.959,8 tấn, tăng 0,4% so với kế hoạch và tăng 12,9% so với vụ Đông Xuân 2021-2022.

Quang cảnh Hội nghị 

Hầu hết các địa phương đều tuân thủ đúng theo lịch thời vụ; gieo sạ từ ngày 20/12/2022 đến 10/01/2023 để lúa trỗ bông tập trung sau tiết Kinh trập và thu hoạch dứt điểm trong tháng 4/2023. Một số diện tích do rút nước chậm dẫn đến gieo sạ trễ so với lịch thời vụ, khả năng thu hoạch xong vào trung tuần tháng 5/2023.

Ngoài ra, giá cả đầu ra các loại nông sản chủ lực của tỉnh như lúa, mía, sắn đều tăng so cùng kỳ; giá lúa dao động từ 6.000-7.000 đồng/kg, giá sắn từ 2.500 - 3.600 đồng/kg củ tươi với độ bột 30%, giá thu mua mía nguyên liệu cao hơn so với cùng kỳ năm trước và tình hình tiêu thụ ổn định.

Theo ông Mai Ne - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tây Hòa cũng cho biết thêm: Cùng với việc chú trọng vào các mô hình phát triển sản xuất, ngành nông nghiệp Phú Yên nói chung và Tây Hòa nói riêng đang có chiều hướng phát triển tích cực. Trong vụ Đông xuân 2022- 2023, Huyện đã chuyển đổi trên 30 ha đất sản xuất 02 vụ lúa kém hiệu quả sang trồng sen, (nâng diện tích trồng sen trên toàn huyện hơn 70 ha), đồng thời khuyến khích, hỗ trợ bà con chuyển sang phát triển một số cây ăn quả có năng suất và hiệu quả kinh tế cao như cam, chuối, sầu riêng…

Một số sản phẩm tiêu biểu của huyện Tây Hòa

“Huyện cũng chủ động trong công tác liên kết sản xuất, triển khai cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực nhất là cây lúa”. Ông Mai Ne nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, thời gian qua ngành nông nghiệp Phú Yên luôn được sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Theo đó, tỉnh luôn bám sát quy hoạch nông nghiệp đã được phê duyệt, đồng thời xây dựng được chính sách phát triển cho từng khu vực cụ thể cũng như mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị - bao tiêu sản phẩm góp phần tăng giá trị kinh tế trên đơn vị đất canh tác. Đặc biệt, một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 bước đầu đã được ứng dụng vào sản xuất trồng trọt góp phần thúc đẩy việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt có hiệu quả.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên (người đứng) phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tập trung công tác chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến như VietGAP, hữu cơ, tưới nước tiết kiệm, sử dụng máy móc trong các khâu sản xuất, nhất là cây trồng cạn như: máy gặt đập liên hợp, máy gặt xếp dãy, máy cuộn rơm, máy tách hạt ngô, máy thu hoạch, bốc xếp, vận chuyển mía… nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, tăng chất lượng nông sản.

Qua đây, ông Nguyễn Trọng Tùng cũng đề nghị các địa phương khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát huy lợi thế của các vùng sinh thái, chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu đảm bảo năng suất, hiệu quả sản xuất vụ mùa.

Tiếp tục quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư vào ngành nông nghiệp, mở rộng các vùng nguyên liệu vận động nông dân thực hiện cơ giới hóa cũng như áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm để nâng cao diện tích mía có tưới. Riêng về nguồn nước tưới, các vùng nên chủ động trồng rải vụ để đạt hiệu quả cao và phục vụ công nghiệp chế biến.

Được biết, trong vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2023 sắp tới, tỉnh Phú Yên dự kiến sẽ bắt đầu gieo sạ lúa từ ngày 20/5 đến ngày 10/6 (nhằm ngày 02/4 - 23/4 Âm lịch) để lúa trổ bông tập trung khoảng sau tiết Lập Thu, đảm bảo thu hoạch gọn trước ngày 20/9/2023 nhằm tránh thiệt hại do mưa bão. Những nơi không có khả năng tưới, các địa phương thực hiện chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại do nắng hạn gây ra.

Theo ông Trần Minh Trí, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết: Ngành nông nghiệp luôn được xem là thế mạnh và cũng là mục tiêu định hướng phát triển trong thời gian tới của huyện Tây Hòa. Trong đó tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa công tác huy động vốn, chủ động phát huy nội lực, phấn đấu tăng thu ngân sách để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các dự án, công trình quan trọng; tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng sản phẩm, biến Tây Hòa trở thành một địa điểm du lịch nông nghiệp, hướng đến mục tiêu nông thôn mới nâng cao.

Thiên Thanh

(Báo Pháp luật VN) 

Tiếp nhận phản ánh việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 03/06/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Phòng Nội vụ huyện 02573 578 537
Thanh tra Sở nội vụ 02573 842 733
Phòng CCHC Sở nội vụ 02573 842 954
  • Tây Hòa: Phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024
  • Tây Hòa:Tổ chức bốc thăm đất tái định cư đợt 01 cho các hộ dân thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam
  • Bàn giao nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Tây Hòa, nhiệm kỳ 2020-2025
  • Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương làm việc tại huyện Tây Hòa
  • Tây Hòa: Tổng kết công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và trật tự ATGT 2023

Thống kê truy cập